Thư Quốc gia số 20: Ba tôn chỉ của Việt Nam: Tự do, Bình đẳng, Sự thật

Thư Quốc gia số 20

Ba tôn chỉ của Việt Nam Dân Quốc: Tự do, Bình đẳng, Sự thật

Kính thưa Quốc dân, Đồng bào Việt Nam yêu quý,

Mỗi quốc gia, thể chế, định chế đều bao gồm một số giá trị căn bản nào đó tượng trưng cho thực thế đó. Ba Tôn chỉ đại diện cho các giá trị căn bản của Việt Nam Dân Quốc sẽ là Tự do, Bình đẳng, và Sự thật. Thư Quốc gia số 20 sẽ bàn về mỗi sự lựa chọn này, cùng các điều lợi ích, thiệt hại, các sự lựa chọn này sẽ đem lại cho Quốc dân, Đồng bào trong tân thiên niên kỷ. 


VỀ TỰ DO

Có nhiều cách định nghĩa Tự do, trong khuôn khổ bài viết này, Tự do xác định một tình trạng trong đó một cá nhân có quyền hành động theo ý muốn riêng của người đó, đồng nghĩa với quyền không hành động theo ý muốn người khác khi người đó không cùng chia sẻ ý tưởng. Tự do cũng liên quan đến một tình trạng được cung cấp cho tất cả các sự chọn lựa có thể có, về mặt tinh thần và vật chất, và không bị cung cấp các điều về tinh thần và vật chất có thể có hại.

Do đó, Tự do có nhiều cấp bậc khác nhau, người hiểu biết cao, người có tài sản lớn, sẽ có Tự do cao hơn người có tầm hiểu biết thấp và người có tài sản hạn chế. Ví dụ, người đọc được nhiều ngoại ngữ sẽ có sự Tự do chọn lựa đọc sách bằng nhiều ngoại ngữ, trong khi người chỉ biết Việt ngữ chỉ có thể có Tự do chọn lựa các sách vở, tài liệu bằng Việt ngữ. Tương tự như vậy về tài sản trong việc chọn lựa các phương tiện vật chất và tinh thần. Đó là các mặt Tự do Thực định (positive liberty), có nghĩa người thụ hưởng được quyền chọn lựa theo ý riêng mình.

Theo định nghĩa này, tất cả chúng ta đều có nhiều việc Tự do Thực định đang bị hạn chế, hạn hẹp, nhưng không nhận thức ra được vì chúng ta đã quen nhận định rằng các việc "ngoài tầm tay với" không thuộc quyền Tự do lựa chọn của chúng ta. Hiến pháp 7 sẽ cố gắng cung cấp một số điều Tự do Thực định cho mọi người dân Việt Nam mà chính nhiều người dân Việt Nam hiện nay không biết đến để đòi hỏi quyền lợi công dân chính đáng của họ, như sẽ bàn tiếp trong phần sau đây.

Về mặt Tự do Phản định (negative liberty), có nghĩa người thụ hưởng không bị cung cấp cho các điều xấu xa và do đó khỏi cần phải quan tâm và bị ảnh hướng xấu vì các việc này, Hiến pháp 7 bảo đảm rằng nhân dân Việt Nam sẽ không bị cung cấp các điều về tinh thần và vật chất có hại, ví dụ như những tà giáo gây nguy hại, những loại thuốc độc hại, những điều trái thuần phong mỹ tục, những điều sai lịch sử hiện đang lưu hành trong sách giáo khoa, nạn ép buộc phải hối lộ cho quan chức, các tư tưởng chính trị và kinh tế sai lầm hiện đang bị lên án khắp nơi trên thế giới, nạn ô nhiễm môi trường quá đáng, cùng nhiều điều khác không thể kể ra hết nơi đây.

Hiến pháp 7 sẽ cung cấp cho Quốc dân Đồng bào rất nhiều điều thuộc Tự do Thực định và Tự do Phản định.

Về Tự do Thực định, Bản Tuyên ngôn Nhân quyền cho Việt Nam thuộc Chương I trong Hiến pháp 7 có ghi ra 11 điều Tự do mà Quốc dân, Đồng bào sẽ được hưởng, cùng một điều mô tả một số hạn định của các Nhân quyền này. Các điều Tự do Thực định được mô tả trong Bản Tuyên ngôn này bao gồm Tự do ngôn luận, Tự do bầu cử và ứng cử, Tự do tin ngưỡng, lương tâm, và tôn giáo, Tự do học hỏi, Tự do hội họp, Tự do di chuyển và chọn nơi cư trú, Tự do thành lập hội đoàn, Tự do kháng nghị các điều luật và viên chức chính phủ.

Trong học đường, học sinh sinh viên sẽ được cung cấp nhiều Tự do Phản định, họ sẽ Tự do khỏi sự sợ hãi thầy cô, khỏi các bài học triết ngoại lai có tính chất ép buộc tư tưởng, khỏi việc sợ không có tiền đóng học phí, khỏi việc sợ bị nhồi nhét quá nhiều bài học lỗi thời, vô ích, không thực tế.

Trong xã hội, nhân dân Việt Nam sẽ được cung cấp nhiều điều luật nhằm nâng cao mức độ Tự do Phản định, đó là Tự do khỏi bị quan chức nhũng nhiễu, áp bức, khỏi bị môi trường gây hại, khỏi bị ép buộc phải theo một tư tưởng chính trị nào đó, khỏi bị các tà giáo, các điều trái thuần phong mỹ tục làm bại hoại xã hội. Các chi tiết còn rất nhiều, khó thể kể ra hết tại đây. 


VỀ BÌNH ĐẲNG

Bình đẳng trong phạm trù xã hội, chính trị bao gồm - nhưng không chỉ hạn hẹp trong khuôn khổ - bình đẳng trước pháp luật; bình đẳng về cơ hội trong giáo dục, việc làm, y tế; bình đẳng về giới tính, bình đẳng về sắc tộc, bình đẳng về tôn giáo.

Bình đẳng trước luật pháp là một nguyên tắc trong đó mọi cá nhân đều được hưởng mọi điều luật như nhau, và không cá nhân hoặc phe nhóm nào có quyền lợi luật pháp đặc biệt. Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn một điều luật tuy luôn luôn áp dụng nhưng không ghi ra rõ ràng - cũng như tất cả mọi điều luật thành văn hoặc bất thành văn khác đều không do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu chọn - ghi rằng các Đảng viên Đảng Cộng sản đều không thể bị Công an điều tra các hành vi tội phạm trừ khi được Đảng Ủy cho phép.

Quyền bình đẳng trước pháp luật mà Hiến pháp 7 đề nghị sẽ không cho phép bất cứ một đoàn thể, đảng phái, phe nhóm, nào có quyền đặc miễn như vậy kể cả các nhân vật cao cấp nhất thuộc chính phủ quốc gia, và nói chung không cho phép bất cứ quyền đặc miễn nào khác, trừ các quyền được ghi trong Hiến pháp trong đó các truy tố Dân sự (civil proceedings) sẽ được dời lại - chứ không bãi bỏ - cho đến khi một vị dân cử không còn giữ nhiệm vụ. Lý do chỉ là để tránh các đối thủ chính trị gây rối bằng các vụ kiện tụng Dân sự nhỏ nhặt, làm ảnh hưởng đến các việc công phục vụ cho số đông nhân dân.

Như vậy, các Thượng Thẩm phán sẽ được hoãn các truy tố Dân sự tối đa 12 năm, còn

Tổng thống và các nhân vật trong Quốc hội sẽ được hoãn truy tố Dân sự tối đa 8 năm. Các truy tố Hình sự như tham nhũng, phản quốc, v.v... vẫn được tiến hành bởi Tư pháp mà không có sự can thiệp của Hành pháp, Lập pháp.

Các vị dân cử ngoài ra còn có thể bị điều tra khắc khe hơn dân thường do nhiều ủy ban, phân ban, trong Quốc hội hoặc Tình báo Quân đội, Cảnh sát Đặc nhiệm chuyên việc điều tra, theo dõi các vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia. Trong mọi trường hợp, sẽ không có án tử hình, không có tra tấn, và bị can có toàn quyền tự bào chữa hoặc mời luật sư bào chữa. Ngoại trừ trường hợp có liên quan đến bí mật an ninh quốc phòng, các phiên tòa này sẽ được xử công khai và trình chiếu trên các hệ thống truyền thông đại chúng.

Bình đẳng trước pháp luật không có nghĩa rằng sẽ có bình đẳng tài sản, mà thật ra phải là điều ngược lại, bình đẳng trước pháp luật chắc chắn sẽ gây ra bất bình đẳng về tài sản của mọi công dân.

Lý do là vì trí thông minh, tính chăm chỉ, tài sản thừa kế, sự may mắn, và nói chung nhiều điều kiện để thành công trong xã hội tự bản chất sẽ không được phân bố đồng đều cho tất cả mọi công dân, do đó nếu muốn mọi công dân cùng hưởng một thành quả đồng đều thì chỉ có cách chia sẻ không công bằng các thành quả do các cá nhân đem lại, sẽ có tình trạng người làm việc nhiều, thông minh, đóng góp cao, lại hưởng bằng các người biếng nhác, kém thông minh.

Một xã hội không có người giàu, người nghèo, như Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản cổ xúy do đó là các xã hội tự bản chất không công bằng, không khuyến khích người dân đóng góp cho xã hội và cho riêng họ, do đó các chủ nghĩa này đã bị diệt vong tại hầu hết mọi quốc gia trên địa cầu, nay chỉ còn tồn tại ở vài quốc gia nhưng đang trên đà diệt vong và tuyệt chủng mau chóng.

Bình đẳng trong cơ hội có nghĩa mọi người đều có cơ hội đồng đều trong mọi hoạt động của xã hội, như trong giáo dục, việc làm, y tế công cộng ngoại trừ một số trường hợp rất đặc biệt như một số việc làm cần người phải có sức khỏe đặc biệt, ví dụ như phi công phải có nhãn quan tốt, cảnh sát phải có sức khoẻ trên trung bình, v.v... Trong các trường hợp này, các tiêu chuẩn loại bỏ các ứng viên phải đồng đều cho mọi người, chứ không chỉ riêng một nhóm người nào thuộc sắc tộc, tôn giáo, hoặc các điều có tính cá nhân nào.

Ngoài ra, mọi công dân Việt Nam Dân Quốc còn được bảo đảm quyền bình đẳng sắc tộc, giới tính, và tôn giáo. Các cơ quan công quyền và tư nhân sẽ bị tuyệt đối nghiêm cấm việc tra hỏi và nhất là kỳ thị nhân viên vì lý do sắc tộc, giới tính, và tôn giáo; chỉ trong một vài trường hợp rất đặc biệt, ví dụ như trong các trại hè dành cho trẻ vị thành niên, có thể cần một số nhân viên đồng giới tính với trẻ em tham dự trại hè.

Quốc hội sẽ bàn thảo và thông qua các điều luật cho phép một số điều đặc miễn về các quyền bình đẳng trên đây. 


VỀ SỰ THẬT

Từ "Sự thật" có nhiều nghĩa, bao gồm thành thật, lòng tin tưởng, chân thật, tính minh bạch, ghi chú các việc đã xảy ra theo đúng như vậy, và thực tế hiện tại. Trong thực tế, nhiều khi không có một Sự thật tuyệt đối, nhưng trong công quyền mọi Sự thật càng gần tuyệt đối càng tốt sẽ phải được công bố cho nhân dân biết. Các sai lầm không cố ý, ví dụ như tính sai hiệu quả một chính sách kinh tế, là hoàn toàn có thể tha thứ nếu việc sai lầm là do các yếu tố không thể đoán trước, chứ không phải do kết quả của một âm mưu nhằm lừa gạt nhân dân. 

Theo định nghĩa và tiêu chuẩn trên đây, ít có nơi nào trên thế giới lại có ít Sự thật như tại Việt Nam hiện nay. Trong chính trị, chính phủ Việt Nam hiện tại luôn công bố con số gần 100% nhân dân ủng hộ chính phủ, nhưng lại không bao giờ có bất cứ cuộc bỏ phiếu tự do nào, cũng không có cuộc thống kê có tính khoa học nào về việc này, như vậy con số trên từ đâu ra, nếu không là một âm mưu cố tình lừa gạt nhân dân? Các thống kê kinh tế lại luôn luôn mâu thuẫn với rất nhiều điều quan sát được, và do không có các tổ chức độc lập tái kiểm kê, có nhiều bằng chứng riêng lẻ cho thấy các Sự thật kinh tế, thống kê, chính trị tại Việt Nam là điều rất hiếm.

Tại Việt Nam hiện nay, chính phủ muốn cho nhân dân biết hết sức tối thiểu các điều chính phủ làm, và quá trình đạt đến các quyết định, ban bố các bộ luật, ký hiệp định biên giới với ngoại bang cùng chi tiết các bản hiệp định này, v.v... Nhiều điều nhân dân thắc mắc mà nếu tại một quốc gia nào khác đều là tin tức công cộng, nhưng tại Việt Nam đó lại là các tin tức bí mật một cách không chính đáng, ví dụ như lý lịch lãnh tụ, số tiền chi phí cho quân sự, công an, số quân lính và công an, số thâm hụt ngân sách, số nợ quốc gia, cùng rất nhiều việc khác.

Tại Việt Nam Dân Quốc, các vấn đề có liên quan đến Sự thật sẽ được bày tỏ công khai, và mọi công dân được khuyến khích tìm hiểu, kiểm tra, bất đồng ý với bất cứ sự việc, Sự thật nào đó được chính phủ công bố. Các vấn đề nay bị cho là bí mật như nêu trên sẽ được công bố, và nhân dân tự do tìm hiểu, chất vấn chính phủ nếu có điều gì thắc mắc hoặc muốn được giải thích rõ ràng.

“Sự thật” tại Việt Nam Dân Quốc không chỉ bao gồm các điều được công bố, mà còn bao gồm việc đào sâu tìm kiếm các Sự thật tiềm ẩn để công bố ra cho nhân dân toàn quốc. Sẽ không có điều gì quá lớn hoặc quá nhỏ để Sự thật của điều đó không nên, không được công bố, ngoài các việc có liên quan đến an ninh quốc phòng. Cho dù như vậy, mọi Sự thật về an ninh quốc phòng vẫn phải được thông báo cho Tổng thống, Tối thượng Thẩm phán, Chủ tịch các Ủy ban tại Thượng viện và Hội đồng Quốc gia nếu được yêu cầu.

Tất cả quá trình mọi dự luật từ khi được đề nghị cho đến khi Quốc hội bỏ phiếu đều sẽ được công bố công khai, và nhân dân được quyền tham gia tích cực vào quá trình này qua việc vận động các đại diện của họ tại Quốc hội, tranh luận trên các hệ thống truyền thông đại chúng, viết báo ủng hộ hoặc không ủng hộ một dự luật nào đó.

Nếu cần, nhân dân có thể vận động Trưng cầu Dân ý bất thường kỳ, hoặc thường kỳ, để bác bỏ một dự luật nào đó đã được Quốc hội thông qua, hoặc ủng hộ một dự luật nào đó đã bị Quốc hội bãi bỏ. Cho dù Tổng thống đã ký thành luật, hoặc không ký một dự luật nào đó thì nhân dân vẫn có quyền quyết định sau cùng nếu có được trên 2/3 số phiếu bầu ủng hộ hoặc không ủng hộ. Chi tiết về việc tổ chức các cuộc Trưng cầu Dân ý sẽ do Quốc hội thông qua, sau khi Hiến pháp 7 trở thành bộ Luật tối thượng của Quốc gia.

Tại Việt Nam Dân Quốc, các vị dân cử phải tuyệt đối tôn trọng Sự thật trong mọi vấn đề cá nhân và công quyền. Nếu một vị nào bị phát hiện cố tình gian dối để đạt mục đích riêng, đó sẽ là nguyên cớ quan trọng để nhân dân Thành phố bầu họ lên, hoặc Viện họ đang phục vụ, bầu quyết định việc sa thải họ ra khỏi chức vụ. Trong trường hợp nặng, Tư pháp có thể truy tố tội hình sự bất cứ nhân vật dân cử nào bị phát hiện cố tình gian dối trong công vụ, cho dù việc này chưa gây hậu quả xấu cho quốc gia.


- Nhân dân Việt Nam -

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét