Thư Quốc gia số 11: Ích lợi của HP7 trong việc tái lập và phát triển quốc hồn quốc túy Việt Nam trong tân thiên niên kỷ (tiếp theo)

Thư Quốc gia số 11

Ích lợi của HP7 trong việc tái lập và phát triển quốc hồn quốc túy Việt Nam trong tân thiên niên kỷ (tiếp theo) 

Phong trào / Thời đại Phục hưng cho Việt Nam

Tại Việt Nam chúng ta, rất tiếc, do hoàn cảnh lịch sử luôn bị xâm lăng suốt gần 5000 năm nay. Cho đến ngày nay nước ta vẫn đang bị ngoại bang xâm lăng trên đủ phương diện không chỉ riêng về quân sự và lấn chiếm đất đai. Kẻ thù đang cố gắng đồng hóa dân tộc ta về đủ mọi mặt từ chính trị đến văn hóa, từ xã hội đến ngay cả thực phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu.

Chưa bao giờ nước ta bị xâm lăng, đồng hóa toàn diện như hiện nay. Sơn hà đang nguy biến, quốc gia đang thập tử nhất sinh, và phen này nếu không khéo lèo lái con thuyền quốc gia ra khỏi nguy hiểm, chúng ta có thể bị xóa tên vĩnh viễn ra khỏi bản đồ thế giới.


Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử 4888 năm kể từ khi Vua Hùng dựng nước, chúng ta không hề được ngơi nghỉ một phút nào để suy nghĩ về đường lối phát triển quốc gia, dân tộc, theo hướng riêng của chúng ta qua suy nghĩ và thảo luận hơn là các sự thúc ép, mua chuộc, đe dọa từ ngoại bang.

Chúng ta cũng không thể như vùng Florence bên Ý, vì chúng ta không có được một quá khứ quá oai hùng nào để hồi tưởng và tiếc nuối.

Lịch sử của chúng ta tràn đầy các cuộc chiến chống ngoại xâm. “Anh hùng” trong tâm khảm dân tộc ta là các anh hùng chống ngoại xâm chứ chẳng phải các nhà hiền triết cao minh, các nghệ thuật gia tài giỏi có các danh họa và tác phẩm để đời, các kiến trúc sư vẽ nên những công trình xuyên thế kỷ, hay thiên tài khoa học đạt trình độ đủ cao để cả thế giới biết đến.

Như vậy, không lẽ chúng ta lại tạo ra thêm các anh hùng quân đội, tạo ra các cuộc chiến để tìm lại vài kỷ niệm đáng ghi nhớ?

Như vậy, dường như chúng ta chỉ còn sự bi quan, ca thán lan rộng về tình trạng quốc gia hiện tại và trong tương lai, và thứ yếu là một hoài niệm quá khứ nào đó, cho dù khá gượng ép, để thử tạo thành một phong trào, một luồng cổ vũ, cho các cố gắng chúng ta sẽ ráng thực hiện để thúc đẩy một Thời đại Phục Hưng (Phục lại và Hưng thịnh hóa) của dân tộc ta xem sao. 


Những điều chúng ta có thể làm

Đó là Phục hưng lại Quốc hồn Quốc túy Việt Nam. Đó là Cải cách toàn diện. Đó là Khai sáng cho nhân dân ta về các tư tưởng lập quốc và phát triển xã hội, chính trị Âu châu. Chúng ta không có 400 năm như Âu châu từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 để mày mò qua ba Thời đại để tìm ra phương hướng tốt nhất để thay đổi chính trị, xã hội theo cách độc đáo riêng của Việt Nam.

Chúng ta cũng không có 200 năm như Âu châu trong thế kỷ 19, 20 để mày mò tìm đọc đủ loại chủ nghĩa chính trị để áp dụng thử nghiệm vào Việt Nam.

Thư Quốc gia số 41 sẽ chứng minh triết học trị quốc Âu châu vượt trội hơn hẳn triết học Đông phương do 7 đại triết gia Trung quốc tạo ra.

Như vậy, chúng ta còn chần chờ gì mà không học theo, ứng dụng, các kinh nghiệm lập quốc, vệ quốc, và phát triển chính trị, xã hội theo Âu châu, để chúng ta đánh bại kẻ thù xâm lăng đang ôm khư khư các chủ thuyết do các đại triết gia của họ viết ra từ 2500 năm trước?

Trong thời điểm hiện tại, năm 2009, chính trị tại Việt Nam không cho phép bất cứ điều cải cách, học hỏi nào như trên xảy ra. Vì vậy, tiếp tục nền chính trị tại Việt Nam hiện tại sẽ đồng nghĩa với việc Việt Nam bị xâm lăng, đồng hoá, và bị xóa tên khỏi bản đồ thế giới. Ngay vào lúc này, nhiều hòn đảo, quần đảo của Việt Nam tại biển Đông đã bị mất tên, bị ghi vào sách địa lý của quốc gia xâm lăng rằng đó là của họ.

Như vậy, nói khác đi nhưng cùng một ý tưởng, muốn tránh khỏi việc bị xâm lăng và mất tên trên bản đồ thế giới, người Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc phải thay đổi chính trị Việt Nam một cách toàn diện, tận nền tảng lập quốc, và Hiến pháp 7 được viết ra cũng vì lý do này.

Nếu Hiến pháp 7 được áp dụng, người dân Việt Nam có thể sử dụng một số điều khoản trong đó để Thoát Á, thoát phụ thuộc văn hóa, văn minh Trung quốc, để rút ngắn thời gian học tập Âu châu, rút ngắn sáu trăm năm kinh nghiệm lịch sử của họ từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20 xuống còn vài mươi năm, để Việt Nam thoát ra khỏi thời Trung cổ, và bước vào thời Phục hưng, Cải cách, Khai sáng, và sau đó là Cách mạng công nghệ, Hiện đại, và thời Nano trong vòng khoảng nửa thế kỷ tới đây.

Sau đây là các đề nghị thực hiện tại Việt Nam Dân Quốc một khi Hiến pháp 7 được nhân dân Việt Nam phê chuẩn. Không thể ghi ra tất cả, sau đây chỉ là tóm lược vài điều trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền cho Việt Nam, thuộc Chương I, và là chương quan trọng nhất, của HP7.


Ích lợi của HP7 trong việc Tái lập và Phát triển Quốc hồn Quốc túy Việt Nam trong Tân Thiên niên kỷ

1. Chương 1, Điều 1, cho phép Tự do Ngôn luận trong kiểm soát tại Việt Nam. Không hạn chế các tư tưởng chính trị, triết học chính thức. Người Âu châu mất ba trăm năm trong thời Phục hưng do Leonardo da Vinci khởi đầu vào thế kỷ 15, sang qua Cải cách do Martin Luther và John Calvin, cho đến thế kỷ 17 mới chỉ bắt đầu vào thời Khai sáng do René Descartes chủ xướng, có được sự tự do ngôn luận về phương pháp quản trị quốc gia, giành quyền hành ra khỏi tay các địa chủ, lãnh chúa, quân vương.

Sau đó người Âu châu lại mất thêm ba trăm năm mới đạt được tự do ngôn luận như ngày nay. HP7 sẽ rút ngắn thời gian này xuống còn vài năm. Dự tính sẽ mất khoảng 5 năm để soạn thảo các bộ luật về Tự do Ngôn luận trong kiểm soát và chừng mực sau khi HP7 được thực thi tại Việt Nam.

2. Chương 1, Điều 2, Phần 3, 4 bảo đảm 20% ngân sách quốc gia phải được chi dụng vào an sinh xã hội và y tế. Dân tộc ta vốn có tính lương thiện, “tứ hải giai huynh đệ”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, chúng ta thà bớt đi thức ăn trên bàn để chia sớt cho người nghèo, già nua, bệnh tật. chứ không muốn ăn no trong khi đồng bào xung quanh đang đói khát.

Hiến pháp 7 đặt nền tảng trên chữ NHÂN, và Việt Nam Dân Quốc cũng vậy.

Người Âu châu mất 600 năm sau Thời Trung cổ mới có được an sinh xã hội, người Việt Nam ta chỉ vài năm sau khi phê duyệt HP7 sẽ có được việc này. Thư Quốc gia số 91 có ghi, sẽ có Bộ An sinh Xã hội; và Thư Quốc gia số 93 có ghi, sẽ có Cơ quan Chuyên trách về An sinh Xã hội trực thuộc Văn phòng Tổng thống. Nhiệm vụ chính của các nơi này là làm sao sử dụng 20% ngân sách quốc gia, thành phố, một cách tối ưu nhất cho lợi ích dân nghèo, người già, người bệnh.

3. Chương 1, Điều 3, bảo đảm nhân dân được quyền tự do đi bầu, và Điều 4 cho phép mọi người bình đẳng trước Pháp luật. Tổng thống Việt Nam Dân Quốc nếu phạm luật sẽ bị đồng tội với bất cứ người dân nào, và quyền truy tố Tổng thống không nằm trong tay Hành pháp quyết định, do đó cho dù muốn, Tổng thống không thể tự bao che cho chính mình, thì làm sao có nạn một đảng phái nào đó một tay che mặt trời công lý như tại Việt Nam hiện nay?

Chính trị Việt Nam hiện nay còn đang trong thời Trung cổ, quyền hành không vào tay số người tài giỏi nhất như thời Khai sáng đề xướng cách đây 370 năm, lại càng không về tay nhân dân như hiện nay tại Âu châu. Phải mất sáu trăm năm tranh đấu kịch liệt, nhiều trận chiến cục bộ và thế giới kinh hồn, người Âu châu mới có được tự do bầu cử, mọi người mới có được quyền bình đẳng trước pháp luật.

Nhân dân Việt Nam về nguyên tắc sẽ có ngay các quyền này một ngày sau khi HP7 được ít nhất 2/3 nhân dân Việt Nam phê chuẩn, tuy về chi tiết sẽ mất vài năm soạn luật.

4. Chương 1, Điều 6, bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi đồng bào từ mẫu giáo đến hết lớp 9. Điều này sẽ giúp một số đông, có thể lên đến vài mươi triệu đồng bào, có được một sự hiểu biết cần thiết để họ có thể tìm việc làm và hoàn thành nhiệm vụ với xã hội, quốc gia, gia đình một cách hoàn chỉnh hơn.

Phần 5 trong Điều 6, Chương 1 có ghi, ít nhất 20% ngân sách quốc gia và thành phố phải được chi dụng vào giáo dục. Ngoài việc cung cấp cho các trường phổ thông và đại học, có được thêm hổ trợ tài chánh từ chính quyền các cấp, nhiều phong trào học thuật sẽ được tổ chức, ví dụ như phong trào viết văn bằng Việt, Anh, Pháp, Đức ngữ, viết lý luận triết học, xã hội học, chính trị học.

Xã hội Việt Nam sẽ được đa dạng hóa mau chóng từ các phong trào, cuộc tranh luận, thi tài, học thuật kể trên. Dễ dàng nhận thấy Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc chỉ trong một, hai thế hệ, và nhất là sẽ rất đồng bộ vì tất cả nhân dân, chỉ trừ một số ít bị bệnh thiểu trí năng, đều sẽ có dịp học hành với tất cả khả năng và không gì cản trở bất cứ người dân nào học cho đến cấp cao nhất trừ chính khả năng của riêng họ mà thôi.

Dân tộc ta vốn tính chăm chỉ, hiếu học, nhưng nhiều thiên niên kỷ qua chúng ta đã học sai và bị dạy sai. Chúng ta học triết từ các triết gia Trung quốc, nay càng ngày càng nghiệm ra họ sai lầm rất nhiều. Như Thư Quốc gia 41 chứng minh, quốc gia nào lập quốc trên nền tảng Khổng Mạnh thì chắc chắn đi vào ngõ cụt, nhân dân nghèo đói.

Nếu không nhờ văn minh Âu Mỹ, các triết gia, giáo dục gia Âu Mỹ, thì nay phần còn lại của thế giới còn sống trong tăm tối theo cả nghĩa đen vì không có điện, tuổi thọ trung bình không quá 40 vì không có vắc-xin, còn đi xe ngựa, uống nước giếng.

Nhân dân Việt Nam, qua việc chọn Hiến pháp 7, sẽ đồng lúc chọn Thoát Á, chọn Tây Du Học, để phát triển quốc gia.

Thư Quốc gia số 4, 6, 8, 13 bàn về các lợi ích khác mà Hiến pháp 7 sẽ đem lại cho nhân dân và quốc gia Việt Nam trong việc phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, quốc phòng, và nhiều điều khác.


- Nhân dân Việt Nam -

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét