Thư Quốc gia số 2: Tổng quát, tổng quan, về hiện trạng quốc gia

Thư Quốc gia số 2

Tổng quát, tổng quan, về hiện trạng quốc gia

Kính thưa Quốc dân, Đồng bào Việt Nam yêu quý, 

Chưa bao giờ trong lịch sử 4888 năm, dân tộc ta lại phải đối diện với nhiều thử thách sâu rộng và nghiêm trọng như hiện nay. Các kẻ thù trong quá khứ cho dù muốn xâm lăng và đồng hóa dân tộc ta, nhưng họ thực hiện một cách không đồng nhất, không bài bản, chỉ có ý nghĩa cục bộ và trong từng thời đại vua quan của họ, chứ không tạo thành một chính sách quốc gia chính thức và kéo dài nhiều thập kỷ, thậm chí thiên niên kỷ như hiện nay. 

Ngoài giặc ngoại xâm, ngay cả giặc nội xâm của dân tộc ta cũng không kém phần nguy hại. Và không chỉ trong chính trị, ngay cả trong luật pháp, kinh tế, xã hội cũng có biết bao mối nguy hại mà nếu không lập tức loại trừ và tái tạo dựng cho hoàn thiện hơn, thì chỉ trong vài thập niên nữa mạch sống, dân tộc tính của chúng ta có thể bị diệt trừ và tuyệt chủng. 


Không gì đáng thương cho bằng một dân tộc bị mất quốc tính tốt đẹp, sa đọa vào vòng hổn loạn vô đạo đức, vô pháp luật, vô trật tự, mà chính mọi thành phần trong dân tộc đó còn không biết họ sai để sửa chữa 
Trong bài này, hiện trạng Việt Nam sẽ được khảo sát một cách tổng quan, tổng quát. Thư Quốc gia số 3 đến số 15 sẽ xem xét các vấn đề nội bộ Việt Nam một cách chi tiết hơn, và đưa ra các lý luận về Ích lợi của Hiến pháp 7 trong việc tái tạo Quốc hồn Quốc túy Việt Nam, và nâng cao giá trị quốc gia cùng nhân phẩm nhân dân Việt Nam lên một tầm cao mới trong tân Thiên niên kỷ này. 
 
1. Tóm lược Lịch sử Việt Nam cận đại

Năm 1858, Pháp quốc dưới nền Đệ Nhị Quân chủ Lập hiến do Hoàng đế Napoléon Đệ Tam thành lập năm 1852 quyết định đem quân xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa. 

Theo Hiến pháp Quốc gia Pháp được thành lập năm 1852, Hoàng đế có toàn quyền Hành pháp, ngoài ra còn có toàn quyền xếp đặt toàn bộ các nhân vật trong Hội đồng Quốc gia với nhiệm vụ soạn luật, và toàn bộ nhân vật trong Thượng viện thông qua các bộ luật dưới sự chi phối của Hoàng đế. 

Như vậy, cuộc xâm lăng và chiếm đóng Việt Nam hoàn toàn không do ý muốn của nhân dân Pháp quốc, mà do tham vọng của giới cầm quyền không hề được dân bầu lên. Chính nhân dân Pháp cũng chịu vô vàn đau khổ dưới các chính phủ thay phiên nhau đàn áp dân lành trong suốt thời gian nhân dân Việt Nam cùng chịu chung số phận. 

Nền Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp mãi đến năm 1958 mới được thành lập, có Hiến pháp mới, và sau đó các vị Tổng thống được nhân dân Pháp bầu lên đều tiến hành việc trao trả độc lập cho tất cả các thuộc địa, vì nhân dân Pháp từng chịu quá nhiều đau khổ trong các chế độ bất dân chủ và kháng dân chủ trước đó, nay không hề muốn bất cứ nhân dân nào trên thế giới cùng chịu như vậy, nhất là lại dưới sự đô hộ của quốc gia họ. 

Từ năm 1858, cuộc chiến tranh xâm chiếm Việt Nam đến 26 năm sau mới kết thúc với việc Pháp chiếm toàn bộ Việt Nam, và Việt nam trở thành một trong ba quốc gia, cùng với Lào và Cambodia, trong Đông dương Thuộc Pháp (French Indochina) năm 1887. 

Ngoại trừ cuộc chiếm đóng của quân đội Nhật Hoàng năm 1941 đến 1945, Việt Nam là một thuộc địa của Pháp cho đến năm 1954. Ông Hồ Chí Minh lãnh đạo quân đội Việt Nam thuộc nhiều phe phái chính trị khác nhau cùng đoàn kết đánh Pháp và giành độc lập cho Việt Nam, tuy nhiên do quân đội còn yếu, quân đội Việt Nam phải rút về phía Bắc Vĩ tuyến 17 như được các phe phái tham chiến và quốc tế đồng ý trong Hiệp định Geneva ký năm 1954. 

Hoa kỳ rất tận tình giúp đỡ thành lập Việt Nam Cộng hòa, thuộc phía Nam vĩ tuyến 17, thành lập nền Đệ Nhất Cộng hòa năm 1956, và Đệ Nhị Cộng hòa năm 1967. Việt Nam Cộng hòa được thành lập dưới tiêu chỉ Dân chủ Lập hiến, theo Chủ nghĩa Tư bản, tôn trọng Tư do Ngôn luận, Dân chủ Xã hội. Do khó khăn kinh tế vì nhiều lý do vào đầu thập niên 1970, Hoa kỳ rút bớt và cuối cùng cắt toàn bộ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa từ cuối năm 1974, đưa đến cuộc sụp đổ kinh tế và quân sự vào tháng 4, 1975. 

Trong khi đó, quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thuộc phía Bắc vĩ tuyến 17, được hơn 15 quốc gia trong khối Cộng sản Quốc tế, nổi bật nhất là Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, tận tình giúp đỡ không suy chuyển trong suốt thời gian cuộc chiến 10 ngàn ngày tại Việt Nam. Do đó, đang khi Việt Nam Cộng hòa bị đồng minh Hoa kỳ bỏ rơi và gặp khó khăn, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dễ dàng xua quân xâm lăng và xâm chiếm, với số thương vong rất tối thiếu. 

Sau đó, cho dù có "hòa bình", Việt Nam thực tế vẫn là một quốc gia bị Cộng sản Quốc tế chiếm đóng. Các chính sách kinh tế, quân sự, chính trị, xã hội, đều được nhập vào từ bên ngoài lúc đầu chủ yếu là từ Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, và sau đó là từ Liên bang Xô viết. Các chính sách này đa số không phù hợp với dân tộc tính và tình hình Việt Nam, do đó đa số đều thất bại thảm hại. 

Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội triền miên sau 1975. Mãi cho đến khi khối Cộng sản Quốc tế sụp đổ vào cuối thập niên 1980, chính phủ Việt Nam buộc lòng phải có một số thay đổi về chính sách kinh tế, xã hội, quan trọng nhất là vấn đề "ra đi có trật tự" cho người Việt Nam được thân nhân từ nước ngoài bảo lãnh đoàn tụ, sau đó gởi ngoại tệ về Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Kể từ khi có cuộc "đổi mới" này, nền kinh tế Việt Nam tránh khỏi bị sụp đổ do ba yếu tố quan trọng nhất: (1) Kiều hối, (2) bán dầu thô, (3) viện trợ và mượn nợ khối Tư bản Chủ nghĩa. 

Hiện nay, về chính trị và lý luận chính trị, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, và mô hình phát triển của quốc gia này đang là mẫu mực cho nhiều kinh tế gia, chính trị gia Việt Nam noi theo.

2. Các tư tưởng chính trị Việt Nam trong và ngoài nước

2.1. Hệ tư tưởng Cộng sản Quốc tế

Đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là "Đảng" - do chỉ có một nên không lẫn lộn) là đảng duy nhất được chính thức hoạt động tại Việt Nam. Đảng có 15 người đứng đầu, tạo thành Bộ Chính trị, là cơ quan quyền lực cao nhất tại Việt Nam. 

Đảng có khoảng 3 triệu đảng viên, là một tổ chức kín đáo, bí mật, tuyển chọn đảng viên theo tiêu chuẩn riêng và không ai có quyền tham gia trừ khi được các cấp Đảng ủy cho phép và cho gia nhập. 

Các đảng viên được quyền đặc miễn bắt giữ và đặc miễn truy tố, trừ khi được các cấp đảng ủy trực tiếp ra lệnh theo cách khác thông lệ. Các phiên tòa xử đảng viên, cho dù xảy ra, đều được dàn xếp trước để khỏi mất uy tín Đảng. 

Đảng chỉ huy hệ thống luật pháp, chỉ định các lãnh đạo nhà nước, và bổ nhiệm các nhân vật trong Quốc hội. Đảng kiểm soát mọi hoạt động và tư tưởng tại Việt Nam. 

Luật pháp Việt Nam được soạn theo lý thuyết luật pháp Cộng sản, trong đó không ai được phép chỉ trích bất cứ hành động nào của bất cứ ban ngành nào thuộc chính phủ Việt Nam, và mọi lãnh đạo đều không do dân bầu lên mà do Đảng chỉ định. 

Mọi phiên tòa đều được dàn xếp trước, trong đó các bị can bị định tội trước khi phiên tòa bắt đầu, do đó Việt Nam không có hệ thống pháp lý công bằng, không có công lý, không có luật pháp, và cũng không có bình đẳng trước pháp luật. 

Sau khi khối Cộng sản Quốc tế sụp đổ một phần lớn tại Liên bang Xô viết và Đông Âu, trong vài năm, Đảng vấp phải nhiều khủng hoảng nội bộ trong lý luận về sự tồn tại và ích lợi của Đảng trong việc tiếp tục cai trị quốc gia. 

Tuy nhiên, sau đó Đảng nối lại liên lạc với Đảng Cộng sản Trung quốc và nay hoàn toàn bị chi phối, điều khiển, và quản trị bởi Đảng Cộng sản Trung quốc và quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung hoa về mọi mặt kinh tế, tài chánh, quân sự, tình báo, lãnh thổ, nhân lực lãnh đạo, và quan trọng nhất là lý luận Cộng sản Quốc tế. 

Sự chi phối toàn diện bởi Đảng Cộng sản Trung quốc hầu như chắc chắn sẽ tiếp tục trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên tới đây, ngày nào mà Đảng còn cai trị Việt Nam. 

Nói khác đi, Đảng Cộng sản Trung quốc đang và sẽ tiếp tục cai trị Việt Nam thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam. 

2.2. Hệ tư tưởng Việt Nam Cộng Hòa 

Do hoàn cảnh lịch sử kể từ sau Hiệp định Geneva năm 1954, lãnh thổ Việt Nam phía Nam vĩ tuyến 17 thuộc Thế giới Tự do, về mặt chính trị không khác với Nam Triều tiên và Tây Đức, đều là tiền đồn đối nghịch với Bắc Việt Nam, Bắc Triều tiên, Đông Đức thuộc khối Cộng sản Quốc tế. 

Do phe Thế giới Tự do bị khủng hoảng kinh tế vào đầu thập niên 1970, nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng dầu hỏa tại Trung đông đẩy giá xăng dầu lên cao trên 300% trong vòng vài năm, nạn khan hiếm xăng dầu gây thất nghiệp và lãi suất ngân hàng cao chưa từng thấy, đời sống nhân dân các quốc gia thuộc Thế giới Tự do gặp khó khăn không lường trước và không thể giải quyết. 

Để giữ các tiền đồn quan trọng tại Tây Đức và Nam Triều tiên, buộc lòng Thế giới Tự do trong đó quan trọng nhất là Hoa kỳ phải buông rơi Việt Nam Cộng Hòa. 

Việt Nam Cộng Hòa bị mất tên, tuy nhiên, lý tưởng tự do, dân chủ, công lý, công bằng xã hội, bình đẳng trước pháp luật, vẫn còn tồn tại trong số đông người dân từng sống qua thời kỳ 1954-1975 tại phía Nam vĩ tuyến 17, và nay truyền lại cho con cháu họ. 

Một số còn sống tại Việt Nam phải làm ngơ và tránh đưa ra ý kiến chính trị, ý kiến tôn trọng các lý tưởng của Việt Nam Cộng Hòa, vì sợ bị Đảng khép tội và bỏ tù nhiều năm. 

Một số ra hải ngoại tuy phải tìm kế sinh nhai nhưng vẫn còn tư tưởng tôn trọng các lý tưởng này, nhưng không có dịp bày tỏ, chỉ ngoại trừ việc giảng dạy lại cho con cháu. 

Do Đảng độc quyền cai trị Việt Nam, độc quyền tư tưởng, độc quyền lý tưởng, các tư tưởng và lý tưởng của Việt Nam Cộng Hòa nay đang tạm thời bị che khuất, không được bày tỏ tại Việt Nam. Một số người lên tiếng vì lương tâm quốc gia đều bị bắt, xử tù nhiều năm, thậm chí đã bị tử hình cho dù họ chỉ kêu gọi một cách bất bạo động và chính họ không có một tấc sắt trong tay. 

Hiện trạng này có lẽ còn kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, vì Đảng Cộng sản 

Trung quốc rất quan ngại việc Việt Nam có thể có tự do, dân chủ như Nam Triều tiên, Tây Đức. 

Chính vì lý do quan ngại đó mà Đảng Cộng sản Trung quốc đã tận tình giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 30 năm chiến tranh trước đây, và nay chính sách này không thay đổi trong việc tiếp tục giúp đỡ Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục cai trị Việt Nam theo lý luận Cộng sản Quốc tế. 

Đứng trước sự xâm lăng của kẻ thù quá hùng mạnh là Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, Đảng Cộng sản Trung quốc, hệ tư tưởng Việt Nam Cộng Hòa đang bị yếu thế, và rất khó chống trả việc bị đè bẹp tại Việt Nam. 

Việc đem lại các tư tưởng, lý tưởng của Việt Nam Cộng Hòa, tương tự như của Tây Đức và Nam Triều tiên - nay còn gọi là Hàn quốc - trở lại Việt Nam, do đó, vào thời điểm hiện nay chỉ có một tia hy vọng rất mong manh. 

2.3. Hệ tư tưởng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 

Một số đảng viên kỳ cựu trước đây của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn hoài cổ và hy vọng trở lại thời hậu Cách mạng Tháng Tám, khi Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận một số đảng nhỏ trong Quốc hội. 

Số người này, có thể nói rất có tinh thần quốc gia và theo Quốc gia Chủ nghĩa hơn là Cộng sản Chủ nghĩa, muốn có quốc gia phú cường, độc lập khỏi Cộng hòa Nhân dân Trung hoa và Đảng Cộng sản Trung quốc. 

Tuy nhiên, cũng như hệ tư tưởng Việt Nam Cộng Hòa, họ cũng đang bị vùi dập, tuy với mức độ ít tàn bạo hơn, vì dù sao họ từng có tên tuổi, và nhiều năm theo Đảng. 

Đa phần trong số họ nay chỉ bị thất sủng, hoặc an trì tại một nơi nào đó, có nơi ở và lương thực tạm đủ. 

Mọi vây cánh bị siết chặt, họ không còn có thể nói hoặc làm gì một cách công khai các tư tưởng vì quốc gia, dân tộc mà họ tham gia vào Đảng từ lúc ban đầu chẳng qua vì muốn chống giặc ngoại xâm, chứ không hề muốn đem lại một cuộc xâm lăng khác từ Cộng hòa Nhân dân Trung hoa còn lâu dài và nguy hiểm hơn. 

Hệ tư tưởng này tồn tại rất yếu, vì không có lý luận vững chắc về cấu trúc kinh tế, xã hội, chính trị. Một tư tưởng 'vì quốc gia" mông lung nào đó sẽ không đủ để xây dựng quốc gia, và quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thật ra vẫn phụ thuộc rất sâu đậm vào Cộng hòa Nhân dân Trung hoa và Đảng Cộng sản Trung quốc, cùng hơn 15 quốc gia khác trong khối Cộng sản Quốc tế. 

Như vậy, cho dù Hiến pháp 1946 được tái tạo dựng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tái thành lập, thì sẽ vẫn không có chỗ dựa và lý luận chính tri, cấu trúc kinh tế, xã hội, nhân văn, để tồn tại một cách vững mạnh. Có khi lại tạo dựng ra một thế chế độc tài, độc quyền, độc đoán không khác hiện nay mà họ muốn thay đổi. 

2.4. Hệ tư tưởng dân chủ, công bằng xã hội 

Một số bạn trẻ tại Việt Nam gần đây do du học hoặc qua tiếp xúc với các nền văn minh Âu Mỹ muốn đem lại công bằng xã hội, dân chủ, phổ thông đầu phiếu, cho Việt Nam. 

Số người này nói chung rất năng động, rất có nhiệt huyết và hăng hái trong các phong trào chống Trung quốc xâm lăng, chống tham nhũng. Họ cũng rất can đảm, nói chung còn can đảm hơn số người có tư tưởng Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên đây. 

Họ thành lập các diễn đàn, các nhóm thảo luận trên mạng internet, ra nhiều tờ báo thường ký chống các sai trái trong xã hội, chống việc các ngư dân Việt Nam bị sát hại trên biển, chống các Hiệp định biên giới bị Chính phủ Việt Nam lén lút ký kết và không hề công bố ngay cả sau khi đã ký kết nhiều năm. 

Tuy nhiên, gần đây do Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ra lệnh bắt bớ, họ bị đàn áp rất mạnh bạo tại Việt Nam, một số bị bắt, bị cô lập trong nhiều tháng không được gặp thân nhân. Một số có thể bị đem ra xét xử và bị bỏ tù nhiều năm. 

Cũng như hai nguồn tư tưởng trên đây, có lẽ hệ tư tưởng này cũng dần dần bị ép vào thinh lặng. Nhiều phần tử từng tham gia tuy vẫn sẽ giữ nguyên ý kiến, lý tưởng của họ, nhưng tại Việt Nam thì không dám lên tiếng, còn tại hải ngoại thì chỉ giảng dạy lại cho con cháu. 

2.5 Hệ tư tưởng Hiến pháp 7 

Đây là hệ tư tưởng hoàn toàn mới và gần đây nhất, do một số người thuộc "thế hệ 1,5" đề xướng. Đây là thế hệ khoảng từ 30-45 tuổi, từng có giáo dục ít nhất thuộc cấp trung học tại Việt Nam, nhưng sau đó thụ huấn nền giáo dục đại học và / hoặc sau đại học tại các quốc gia có người Việt Nam định cư. 

Thế hệ này hiểu rất rõ Việt Nam, nhưng đồng lúc cũng có cái nhìn của người ngoại quốc có học thức nhìn vào và đánh giá hiện trạng Việt Nam, và đưa ra phương hướng giải quyết. 

Hệ tư tưởng Hiến pháp 7 hiểu rõ các nổi suy tư thầm kín và công khai của các người thuộc các Hệ tư tưởng trên đây. Thư Quốc gia số 1 đã nêu rõ, "Một số trong hai nhóm trên [hệ thống chính trị Việt Nam và cực đoan hải ngoại] thật ra đã có các ý tưởng trên do một lương tâm chính trực. Một số rất đáng trân trọng và kính nể..." 

Hệ tư tưởng Hiến pháp 7 hiểu rõ sự hy sinh cống hiến cho nền độc lập dân tộc của Hệ tư tưởng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là sự hy sinh cống hiến vô giá, vô bờ bến, đáng được trân trọng và ghi vào trang vàng lịch sử dân tộc. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ thật ra không cần thiết vì như trên đây đã ghi, chỉ cần 4 năm sau đó, năm 1958 khi nhân dân Pháp thông qua và phê chuẩn Hiến pháp nền Đệ Ngũ Cộng hòa, thì Pháp cũng đã trả lại độc lập cho Việt Nam không cần phải qua chiến tranh, như Pháp trả lại độc lập cho hàng chục thuộc địa và vùng lãnh thổ khác. Việt Nam đã không là một ngoại lệ. 

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 1940, các anh hùng chiến đấu vì nền độc lập Việt Nam không thể đoán trước việc Pháp sẽ thông qua Hiến pháp mới, rồi sau đó trao trả độc lập. Hiến pháp 1946 khi thông qua cũng là một bản Hiến pháp hay, tuy sau đó không được thực hiện đúng đắn. 

Hệ tư tưởng Hiến pháp 7 cũng hiểu rõ và vô cùng trân trọng Hệ tư tưởng dân chủ, công bằng xã hội, nhất là về tính can đảm, trung trực, của một số thành viên nay đang lâm vào cảnh lao tù - và có thể nhiều năm. 

Ngày nào đó, dân tộc Việt Nam sẽ cảm ơn và ghi tên họ vào trang sử vàng dân tộc, như đang và sẽ ghi tên một số người đã hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp vì nền độc lập dân tộc. Họ cũng đang chống giặc ngoại xâm, và kẻ thù này càng thâm độc và nguy hiểm hơn Pháp gấp nhiều lần. 

Hệ tư tưởng Hiến pháp 7 hiểu và thông cảm với một số đông thuộc Hệ tư tưởng Cộng sản Việt Nam. Một số đông Đảng viên gia nhập Đảng vì hoàn cảnh gia đình, xã hội. Một số xem đó là cách sinh nhai, một sinh lộ, một thoát lộ, cho cuộc sống đang quá khó khăn. 

Một khi gia nhập Đoàn, họ khó thể rút ra vì sẽ bị một số điều thiệt hại nặng nề trong việc làm, sự nghiệp. Sau đó, dần dần họ càng bị dấn sâu vào vòng chính trị, họ buộc phải gia nhập Đảng để có thêm quyền hành, thêm cơ hội thăng tiến xã hội và chính quyền. Ngoài ra lại còn có gia đình cần họ gia nhập Đảng cho "cả họ được nhờ". Một khi vào rồi thì buộc phải "trả ơn" cho quá nhiều đảng viên khác, do đó sinh ra nạn bao che, bè phái, tham nhũng, hối lộ. 

Hiến pháp 7 hiểu rõ, do đó tạo thoát lộ an toàn cho tất cả Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Sẽ không có trả thù, không có thanh trừng, cũng không có trách móc hoặc tịch thu tài sản bất cứ một Đảng viên nào cho dù còn sống hay đã qua đời, một khi Hiến pháp 7 được nhân dân Việt Nam thông qua, và cho phép tha thứ TẤT CẢ mọi lỗi lầm cho dù cố ý hay vô tình của TẤT CẢ mọi Đảng viên còn sống hay đã qua đời trước đây. 

Ông Hồ Chí Minh vẫn sẽ được tự do tôn sùng, thờ phụng, chỉ là sẽ không dùng tiền ngân khố quốc gia làm việc đó, mà chỉ từ tiền đóng góp tự nguyện cá nhân. 

Hiến pháp 7 công nhận sự tồn tại và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Đảng này toàn quyền tự do ứng cử, đưa Đảng viên vào Quốc hội, thậm chí làm Tổng thống, Thủ tướng, nếu được nhân dân bầu chọn. 

Như vậy, Hệ tư tưởng Hiến pháp 7 dung hòa và bao gồm mọi Hệ tư tưởng trên đây, đồng lúc mở ra vô vàn cơ hội cho toàn thể nhân dân Việt Nam tham gia vào các quyết định chung cho toàn quốc, toàn dân tộc. Mỗi người dân đều có một lá phiếu bình đẳng trong việc chọn lựa ra lãnh đạo tương lai của quốc gia, dân tộc. 

Hiến pháp 7 lấy tự do, dân chủ, công lý, công bằng xã hội, bình đẳng trước pháp luật làm các cột mốc lập quốc, trên nền tảng chữ NHÂN làm đầu. Đó là Nhân đạo, Nhân ái, Nhân quyền, Nhân phẩm, Nhân dân. 

Một quốc gia đặt nền tảng trên các điều này sẽ vĩnh viễn phú cường và toàn vẹn lãnh thổ, mọi người dân sẽ được tự do, hạnh phúc, trong một quốc gia do chính họ thật sự làm chủ, được quản trị bởi các chính phủ do dân, vì dân, và từ nhân dân chọn lọc ra.

3. Hiện trạng nền kinh tế Việt Nam

3.1. Địa lý và các Tỉnh thành 

Việt Nam nằm tại Đông Nam châu Á, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Lào và Cambodia, phía Bắc giáp Trung Quốc. Việt Nam có diện tích 331.210 km vuông, đứng hàng thứ 65 trên thế giới về diện tích, trong đó có 310.070 km vuông đất đai và 21.140 km vuông sông ngòi, kênh rạch. Về đất đai, Việt Nam có 4639 km đường biên giới trong đó 1228 km với Cambodia, 1281 km với Trung quốc, 2130 km với Lào. Việt Nam có 3444 km dọc theo bờ biển, chưa tính các hải đảo. 

Việt Nam hiện có 64 tỉnh thành: An giang, Bắc giang, Bắc Kạn, Bạc liêu, Bắc ninh, Bà rịa - Vũng tàu, Bến tre, Bình định, Bình dương, Bình phước, Bình thuận, Cần thơ, Cà mau, Cao bằng, Đà nẵng, Dac Lak, Đắc nông, Điện biên, Đồng nai, Đồng tháp, Gia lai, Hà giang, Hà nam, Hà nội, Hà tỉnh, Hải dương, Hải phòng, Hậu giang, Hòa binh, Hồ Chí Minh, Hưng yên, Khánh hòa, Kiên giang, Kon tum, Lai châu, Lâm đồng, Lạng sơn, Lào cai, Long an, Nam định, Nghệ an, Ninh bình, Ninh thuận, Phú thọ, Phú yên, Quảng bình, Quảng nam, Quảng ngãi, Quảng ninh, Quảng trị, Sóc trăng, Sơn la, Tây ninh, Thái bình, Thái nguyên, Thanh hóa, Thừa thiên - Huế, Tiền giang, Trà vinh, Tuyên quang, Vĩnh long, Vĩnh phúc, Yên bái. 

Về khí hậu, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới tại miền Nam, và gió mùa tại miền Trung và Bắc. Nhìn chung, Việt Nam không có bốn mùa xuân hạ thu đông, mà chỉ có mùa mưa và nóng vào tháng 5 đến tháng 9, mùa khô và bớt nóng vào tháng 10 đến tháng 4. 

Về địa hình, Việt Nam có đồng bằng thấp trũng tại miền Nam và miền Bắc, nhiều đồi núi và cao nguyên tại miền Trung, Tây, và Tây Bắc. 

Ngọn núi Fan Si Pan cao nhất Việt Nam, khoảng 3144 m so với mặt nước biển. 

Tuy có chiều dài 1650 theo đường thẳng từ Bắc xuống Nam, tại vùng hẹp nhất theo bề ngang chỉ có 50 km. 

Đất trồng trọt tại Việt Nam bao gồm 20,14% diện tích đất đai, bao gồm 6,93% dùng làm nông nghiệp quanh năm. Khoảng 72,93 đất còn lại là các thành thị và vùng đồi núi không dùng cho nông nghiệp. 

Vùng sông ngòi Việt Nam có 891,2 km khối nước ngọt có thể dùng để trồng trọt và dùng làm nước uống, nước sinh hoạt, trong đó Việt Nam sử dụng hàng năm khoảng 71,39 km khối nước ngọt hàng năm, với 5,71 km khối cho sinh hoạt trong gia đình, 17,13 km khối cho công nghiệp, và 48,55 km khối cho nông nghiệp. Mỗi nhân khẩu, như vậy, sử dụng khoảng 820 m khối nước hàng năm. 

Về thiên tai, Việt Nam thường có bão lụt tại miền Trung vào khoáng từ tháng 5 đến tháng 1, theo sau đó là lụt lội. Tại vùng trũng Đồng bằng sông Cửu long cũng thường hay có mùa nước lớn có thể gây lũ lụt vào các tháng này, do mưa lớn gây ra. 

Trong các năm gần đây môi trường thiên nhiên tại Việt Nam bị hủy hoại rất nhiều, do nạn đốt rừng làm nương rẫy, phá rừng lấy gỗ và làm củi đốt. Hiện trạng này chẳng những làm diện tích rừng cây ngày càng bị thu hẹp, mà còn làm đất đai bị xói mòn, nguồn nước bị ô nhiễm, mà còn gây lụt lội cho hạ nguồn vì dòng nước chảy không còn được rừng làm chậm lại và điều tiết. 

Nạn thành thị hóa cũng gây hại cho đời sống thiên nhiên nhiều loại côn trùng có lợi, nhiều loại động vật sông ngòi bị tận diệt hoặc thoái hóa do chất độc thải ra từ các khu công nghiệp. Các chất thải độc hại này cũng phá hại nguồn nước trước kia có thể sử dụng, nay phải cho chảy ra biển và không thể tái tạo. 

Do môi trường nông ngư nghiệp ngày càng khắt nghiệt, lại thêm nhiều vùng bị lụt lội liên tục do nạn phá rừng, nông ngư dân nhập cư ào ạt vào các thành phố lớn gây ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng. 

Các dịch vụ công cộng, an sinh xã hội như bệnh viện, nhà trẻ, trường học tại các thành phố lớn hiện đang bị quá tải nặng nề cũng vì các vấn đề hủy hoại môi trường thiên nhiên kể trên. Một số trẻ thuộc tuổi đi học do cha mẹ nhập cư nên không được cho vào học, gây tình trạng thất học, thiểu học rất cao trong các năm gần đây. 

3.2. Nhân sinh xã hội 

Theo thống kê mới nhất vào tháng 7. 2009, Việt Nam hiện có 86.967.524 người, đông hàng thứ 13 trên thế giới. Trong đó, 0-14 tuổi khoảng 24,9%, từ 15-64 tuổi khoảng 69,4%, trên 64 tuổi khoảng 5,7%, 1/2 dân số Việt Nam dưới 27,4 tuổi. Hàng năm, Việt Nam tăng dân số khoảng 0,977% (khoảng 850.000 người một năm), thuộc hàng 128 về tăng dân số trên thế giới. 

Tỉ lệ di dân ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay vào khoảng 33 ngàn người một năm. 

Tỉ lệ nhập cư vào các thành phố hiện vào khoảng 3,1% hàng năm, tức khoảng 2,7 triệu dân hàng năm, trong khi toàn quốc hiện chỉ có khoảng 28% dân sống trong các thành phố (24,25 triệu). Theo tỉ lệ, như vậy tại các thành phố hiện có nạn tăng dân số khoảng 11% hàng năm. 

Tuổi thọ trung bình hiện nay là 71,58 tuổi, vào hàng 127 trên thế giới về sống thọ, trong đó phụ nữ sống 74,57 tuổi, nam giới sống 68,78 tuổi. 

Mỗi phụ nữ Việt Nam sinh trung bình 1,83 trẻ em, đứng hàng 154 trên thế giới về tỉ lệ này. 

Về bệnh tật, các loại bệnh có tỉ lệ bệnh cao nhất là: 

- Do thực phẩm gây ra: tiêu chảy do vi trùng, viêm gan do siêu vi A, sốt thương hàn - Do truyền nhiễm: sốt xuất huyết, sốt rét, sưng màng óc Nhật bản, dịch hạch, viêm gan siêu vi B và C 

Dân tộc Việt Nam có 54 sắc dân, trong đó người Kinh chiếm 86,2%, Tày 1,9%, Thái 1,7%, Mường 1,5%, Khmer 1,4%, Hoa 1,1%, Nùng 1,1%, Hmông 1%, và các nhóm người Dao, Giarai, Êđê , Chăm, Sán Dìu, v.v... Ngoại trừ người Kinh, đa số các sắc dân khác sống ở miền núi và vùng sâu vùng xa ở miền Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Cuối cùng là các dân tộc Brâu, Ơ đu và Rơ Măm chỉ có trên 300 người. 

Về tôn giáo, Việt Nam có các tôn giáo chính: đạo Phật với 9,3% dân số, theo sau là đạo Thiên chúa 6,7%, Hòa hảo 1,5%, Cao đài 1,1%, Tin lành 0,5%, Hồi giáo 0,1%, không có tôn giáo 80,8%. 

Về ngôn ngữ, tiếng Việt hiện là ngôn ngữ chính, theo sau là tiếng Anh, Pháp, Quảng đông, Phổ thông, Khmer, tiếng miền núi (Mon-Khmer và Malayo-Polynesian). 

Về trình độ học vấn, 90,3% dân chúng trên 14 tuổi biết đọc biết viết, trong đó có 93,9% nam giới và 86,9% nữ giới. 

Việt Nam chi tiêu 1,8% Tổng sản lượng quốc gia cho giáo dục, đứng hàng 171 trên thế giới theo tỉ lệ. 

3.3. Nội trạng nền kinh tế, phương hướng phát triển kinh tế hiện tại 

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, đông dân, trong một phần ba thế kỷ qua đã phải trải qua cuộc hồi phục kinh tế sau chiến tranh, mất sự ủng hộ kinh tế của khối Cộng sản Quốc tế, và sự cứng nhắc của một nền kinh tế tập quyền. Kể từ 2001, chính phủ Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục con đường tự do hóa nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách về cấu trúc nền kinh tế để từng bước hiện đại hóa nền kinh tế và sản xuất nhiều hàng hóa để xuất khẩu, thu hút ngoại tệ. 

Việt Nam tham gia vào Hiệp ước Tự do Mậu dịch khối ASEAN (ASEAN Free Trade 

Area, AFTA) và Hiệp ước Mậu dịch Song phương với Hoa kỳ (Vietnam-US Bilateral Trade Agreement) vào tháng 12, 2001 càng làm thay đổi và tiến bộ về kinh tế và thương mại cho Việt Nam. 

Giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa kỳ tăng 900% từ 2001 đến 2007. Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1, 2007 sau hơn 10 năm thương thuyết. Tư cách thành viên WTO giúp Việt Nam có chỗ dựa vững chắc để tham gia vào thị trường thế giới và củng cố quá trình cải cách kinh tế nội địa. Ngoài các lợi ích khác, tham gia vào WTO cũng giúp Việt Nam không còn chịu xuất khẩu theo hạn mức từng được quy định trong Hiệp ước về Vải sợi và Hàng may mặc (Agreement on Textiles and Clothing). 

Sản phẩm nông nghiệp trong tổng sản lượng quốc gia bị giảm sút từ 25% năm 2000 xuống còn 20% năm 2008. Theo các con số được công bố, tỉ lệ nghèo đói đã giảm rất mạnh, rất mau, và nay tỉ lệ này thấp hơn tại Trung quốc, Ấn độ, và Phi Luật Tân. Tuy nhiên, có nhiều điểm đáng nghi ngại trong tỉ lệ được công bố này, nhất là khi cùng lúc nhiều thông báo về hàng trăm ngàn nhân khẩu bị mất hết nhà cửa, phương tiện sinh sống qua các cuộc bão lụt trong các năm qua. 

Việt Nam đang cố gắng hoạt động để tạo việc làm cho lực lượng lao động đang tăng thêm khoảng 1 triệu 500 ngàn người hàng năm. 

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay chắc hẳn sẽ giới hạn khả năng tạo việc làm và giảm bớt tỉ lệ nghèo khó. Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị sụt giảm trong năm 2009, Việt Nam với nền kinh tế thiên về xuất khẩu - chiếm 68% tổng sản lượng quốc gia năm 2007 - sẽ phải bị giảm xuất khẩu, tăng tỉ lệ thất nghiệp và phá sản trong giới doanh thương và sản xuất, cùng lúc giảm đầu tư ngoại quốc. 

Tổng sản lượng quốc gia năm 2008: 242,3 tỉ USD theo tỉ giá sức mua (purchasing power parity), đứng hàng thứ 46 trên thế giới; và 89,83 tỉ USD theo tỉ giá ngoại tệ chính thức. 

Tăng trưởng kinh tế năm 2008: 6,2% theo con số chính thức, hạng 54 trên thế giới. 

Thu nhập bình quân đầu người năm 2008: 2,800 USD theo tỉ giá sức mua, đứng hàng 168 trên thế giới; và 1.038 USD theo tỉ giá ngoại tệ chính thức. 

Về nội lực kinh tế, 22% tổng sản lượng quốc gia từ nông nghiệp, 39,9% từ công nghiệp, và 38,1% từ các ngành dịch vụ . 

Việt Nam có lực lượng lao động gồm 47,41 triệu người, đứng hàng thứ 12 trên thế giới. 

Trong đó, 55,6% làm nông nghiệp, 18,9% công nghiệp, và 25,5% dịch vụ. 

Tỉ lệ thất nghiệp trung bình trong năm 2008 - theo con số chính thức rất không đáng tin cậy, là 4,7% - hàng 59 trên thế giới. 

Tỉ lệ người dưới mức nghèo khổ là 14,8%. 

Số 10% nghèo nhất chỉ chiếm 3,1% thu nhập toàn quốc, số 10% giàu nhất chiếm 29,8%. Chỉ số Gini về phân bố thu nhập gia đình là 37, theo con số công bố năm 2004. 

Năm 2008, Việt Nam có đầu tư tương đương 41,9% tổng sản lượng quốc gia, đứng hàng Nhất toàn thế giới theo tỉ lệ. 

Thu nhập Ngân sách quốc gia năm 2008 đạt 24,27 tỉ USD, chi 28,85 tỉ USD, thâm hụt chính thức 15,87%. 

Nợ quốc gia năm 2008 cao bằng 48,8% tổng sản lượng quốc gia, cao hàng 39 trên thế giới. 

Lạm phát năm 2008 cao đến 23,1%, trên thế giới có 208 quốc gia có lạm phát thấp hơn Việt Nam. 

Lãi suất cơ bản, do ngân hàng quốc gia cho các ngân hàng thương mại vay ngắn hạn, trong năm 2008 vào khoảng 10,25%, và lãi suất chinh thức các ngân hàng thương mại cho khách hàng tốt nhất vay lại là 15,78% vào tháng 12/2008. 

Sản phẩm nông nghiệp chính: gạo, cà phê, cao su, bông gòn, trà, tiêu, đậu nành, hạt điều, mía, đậu phộng, chuối, gà vịt, cá, hải sản. 

Về công nghiệp, chủ yếu là thực phẩm chế biến, quần áo, vải sợi, giày dép, hầm mỏ, than, sắt thép, xi măng, phân bón hóa học, kiếng, bánh xe, dầu hỏa, giấy. 

Công nghiệp phát triển 6,3% năm 2009, đạt tỉ lệ tăng trưởng cao hàng thứ 36 trên thế giới. 

Việt Nam sản xuất 66,81 tỉ kWh năm 2007, đạt hàng cao thứ 39 trên thế giới. Tiêu thụ khoảng 59,3 tỉ kWh, đạt hàng cao thứ 40 trên thế giới. 

Việt nam sản xuất 313,600 thùng dầu mỗi ngày (114.464.000 thùng/ năm) trong năm 2008, đạt hàng 36 trên thế giới. Tiêu thụ 288,000 thùng dầu mỗi ngày, đạt hàng 44 trên thế giới. Trong năm 2008, Việt Nam xuất khẩu toàn bộ số dầu sản xuất, và nhập toàn bộ số dầu tiêu thụ. 

Thềm lục địa Việt Nam còn khoảng 600 triệu thùng dầu tính vào ngày 1/1/2009. Theo số lượng năm 2008 thì Việt Nam có thể xuất khẩu thêm 5 năm nữa (đến tháng 2/2013 sẽ cạn sạch dầu). 

Cho dù ngưng không xuất khẩu kể từ ngày 1/1/2009 thì Việt Nam chỉ có đủ dầu sử dụng trong nước, theo số lượng năm 2008, cho đến tháng 8/2014. Sau đó Việt Nam sẽ buộc phải nhập khẩu 100% dầu hỏa sử dụng, trừ khi tìm ra các mỏ dầu mới. 

Việt Nam sản xuất 6,6 mét khối khí gas năm 2008, toàn bộ được tiêu thụ trong nước. Với tổng lượng dự trữ thềm lục địa 192,5 tỉ mét khối, nếu tiếp tục sử dụng khối lượng cùng năm 2008, Việt Nam đủ khí gas đến năm 2038. 

Thâm hụt cán cân ngoại tệ trong năm 2008 lên tới 10,71 USD, chiếm 11,92% tổng sản lượng quốc gia, và 37,12% ngân sách quốc gia. 

Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 62,69 tỉ USD, trong đó quan trọng nhất là thị trường Hoa kỳ 18,9%, Nhật 13,6%, Trung quốc 7,2%, Úc 6,7%, Singapore 4,2%. Các sản phẩm xuất khấu quan trọng nhất là dầu thô, thủy hải sản, gạo, cà phê, cao su, trà, quần áo, giày dép. 

Cùng lúc, Việt Nam nhập khẩu 75,47 tỉ USD, trong đó quan trọng nhất từ Trung quốc 19,4%, Singapore 11,6%, Hàn quốc 8,8%, Thái lan 6,1%. Các mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất là máy móc và phụ tùng, sản phẩm dầu hỏa, phân bón, sản phẩm sắt thép, bông gòn, xi măng, xe gắn máy. 

Như vậy, Việt Nam bị thâm hụt mậu dịch, theo con số chính thức, khoảng 12,78 tỉ USD trong năm 2008, chiếm 16,93% tỉ lệ nhập khẩu và 20,38% tỉ lệ xuất khẩu. 

Tính đến cuối năm 2008, Việt Nam có dự trữ ngoại tệ trị giá 24,18 tỉ USD, đủ cho nhập khẩu khoảng 16 tuần. 

Theo con số chính thức, nợ nước ngoài của Việt Nam chỉ khoảng 25,89 tỉ USD tính đến cuối năm 2008. Tuy nhiên, con số này quá thấp và sự chính xác đáng nghi ngờ. 

Cũng tính đến cuối năm 2008, lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chiếm 40,34 tỉ USD. 

Về viễn thông, Việt Nam có 29,51 triệu số điện thoại cố định, và 70 triệu số điện thoại di động. Việt Nam có 67 đài TV, 170,689 máy chủ internet, và 20,834 triệu người sử dụng internet. 

3.4. Giao thông vận tải 

Việt Nam hiện có 44 phi trường, trong đó 37 phi trường có phi đạo gia cố tráng xi măng, 9 phi trường có phi đạo dài trên 3047 m, 5 có phi đạo từ 2438 m đến 3047 m, 14 có phi đạo từ 1524 m đến 2437 m, và 9 có phi đạo từ 914 đến 1523 m. 

Có 42 km đường ống dẫn khí, 66 km dẫn gas, và 206 km ống dẫn các sản phẩm đã được lọc. 

Đường hỏa xa kéo dài tổng cộng 2347 km trong đó chỉ có 178 km với bề ngang 1,435 m, và 2169 km với bề ngang 1 m. 

Có tổng cộng 222.179 km đường xá, trong đó chỉ có 42.167 km được trải nhựa, và 180.012 km không được trải nhựa. 

Về đường thủy, có 17.702 km đường thủy, tuy nhiên đa số chỉ cho các phương tiện thô sơ. 

Các hải cảng chính là: Hải phòng, Đà nẵng, Sài Gòn.

4. Hiện trạng văn hóa, xã hội Việt Nam 

5. Kết luận

- Nhân dân Việt Nam - 


(còn tiếp)

1 nhận xét :

  1. Có nhiều thông tin và nhận định rất giá trị! Rất nên đọc để có kiến thức phổ thông về Việt Nam xưa cũng như nay. Xin cảm ơn tác giả đã day công nghiên cứu và trình bày. Thanks. QN 7/2/14.

    Trả lờiXóa