Thư Quốc gia số 81: Cấu trúc Ngành Lập pháp

Thư Quốc gia số 81

Cấu trúc Ngành Lập pháp

Kính thưa Quốc dân, Đồng bào Việt Nam yêu quý, 

Ngành Lập pháp là một trong Tam Quyền tại Việt Nam Dân Quốc. Ngành Lập pháp bao gồm Quốc hội và 64 Hội đồng Thành phố.

Quốc hội là cơ quan đứng đầu ngành Lập pháp. Quốc hội bao gồm hai viện: Nghị viện và Hội đồng Quốc gia.

Quốc hội có lưỡng viện ngõ hầu để cân bằng quyền lực giữa các Thành phố. Mỗi Thành phố được gởi hai Nghị sĩ vào Nghị viện, và mỗi 250 ngàn dân được gởi một Nghị viên vào Hội đồng Quốc gia.

Như vậy, khởi đầu sẽ có 128 Nghị sĩ và 360 Nghị viên Quốc gia. Sau này nếu có sát nhập các Thành phố, hay dân số gia tăng, số thành viên Quốc hội sẽ khác.

Nghị viện và Hội đồng Quốc gia có quyền lực ngang nhau Nghị viện chuyên soạn thảo các Dự Luật có tính đối ngoại, trong khi Hội đồng Quốc gia thiên về đối nội. Tuy nhiên, các Dự luật đều phải do lưỡng viện thông qua mới được gởi qua Tổng thống duyệt xét. Một số Dự luật có tính kết hợp giữa đối ngoại và đối nội có thể được Uỷ ban Liên viện tại cả hai viện đồng hợp tác soạn thảo.

Mỗi thành phố có Hội đồng Thành phố riêng, chuyên việc soạn các Bộ Luật Thành phố.

Các bộ luật này chỉ có hiệu lực trong Thành phố họ phục vụ mà thôi. Một số Dự luật có tính kết hợp giữa các Thành phố có thể được Uỷ ban Liên pháp tại các Thành phố đồng hợp tác soạn thảo.

Mỗi Hội đồng Thành phố bao gồm 100 Nghị viên Thành phố. Mỗi Khu dân cư được chọn ra hai Nghị viên Thành phố. Như vậy toàn quốc sẽ được chia ra làm 3200 khu dân cư, để tiện lợi cho việc gởi và nhận thư từ, bưu chính. Mỗi khu dân cư chọn ra một Nghị viên Thành phố hàng năm trong cuộc bầu cử vào thứ ba đầu tiên của mỗi tháng 11.

1. Lịch sử

Quốc hội Khoá 1, cùng 64 Hội đồng Thành phố, 64 Thống đốc Thành phố, các Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Thành phố, các Thẩm phán Quốc gia của Việt Nam Dân quốc sẽ được bầu cùng lúc với Tổng thống và 9 vị trong Tối cao Pháp viện.

Ban Biên tập Hiến pháp 7 rất hy vọng cuộc Tổng Tuyển cử toàn quốc Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2012. Nếu được như vậy thì Quốc hội khoá 1 sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 1 năm 2013.

2. Cấu trúc Tổng quát của Ngành Lập pháp

Tại mỗi lập pháp viện thuộc Thành phố và Quốc gia, nhiều Uỷ ban và Phân ban sẽ được thành lập, mỗi đơn vị sẽ chuyên trách một số vấn đề đặc biệt của riêng đơn vị đó để tránh trùng lập.

Một số Uỷ ban và Phân ban được liệt kê ra như sau:

Uỷ ban Thường vụ: chuyên về các việc thường nhật như soạn luật và lập lịch trình tranh luận, biểu quyết.

Uỷ ban Chuyên pháp: chuyên nghiên cứu các vấn đề luật pháp có tính chuyên sâu, có liên quan đến các bộ luật đang hoặc sắp được soạn ra.

Uỷ ban Nghiên cứu: chuyên nghiên cứu các vấn đề luật pháp, chính sách, có tính lâu dài để nếu cần sẽ đệ trình Uỷ ban Chuyên pháp nghiên cứu soạn hoặc sửa các bộ luật có liên quan.

Một số Phân ban thuộc Uỷ ban Chuyên pháp và Uỷ ban Nghiên cứu sẽ bao gồm:

Phân ban Ngân hàng, Tài chánh, và Bảo hiểm

Phân ban Ngân sách

Phân ban Phát triển Kinh doanh và Kinh tế

Phân ban Giáo dục

Phân ban Môi trường, Điện lực, và Nguồn nước

Phân ban Thực phẩm và Nông nghiệp

Phân ban Y tế

Phân ban An sinh Xã hội

Phân ban Pháp luật

Phân ban Lao động và Quan hệ Lao động

Phân ban Công chức và Người Hưu trí

Phân ban Gia đình, Trẻ em, Phụ nữ và Người Tàn tật

Phân ban Thuế vụ

Phân ban Giao thông

Phân ban Cựu chiến binh

Ngoài ra, mỗi viện trong Quốc hội còn có Uỷ ban Liên viện là cầu nối giữa Nghị viện, Hội đồng Quốc gia, và Hội đồng Thành phố, chuyên trách các vấn đề có liên quan đến các lập pháp viện Quốc gia và Thành phố. 

Tại các Hội đồng Thành phố còn có thêm Uỷ ban Liên pháp là cầu nối giữa các Nghị viện Thành phố với nhau và với Quốc hội.

3. Cấu trúc Hội đồng Thành phố

Sau mỗi kỳ bầu cử hàng năm, Chủ tịch Hội đồng Thành phố sẽ là một Nghị viên Thành phố do đảng có đa số ghế tại Hội đồng Thành phố chọn ra. Nếu có ít nhất hai đảng có cùng số ghế đa số so với các đảng khác, Thống đốc Thành phố sẽ chỉ định vị này từ một trong các Nghị viên Thành phố do các đảng có đa số ghế đề nghị.

Chủ tịch Hội đồng Thành phố sẽ chỉ định các Chủ tịch Uỷ ban và Phân ban thuộc Hội đồng Thành phố.

Các Chủ tịch Uỷ ban và Phân ban này sẽ chọn lọc thành viên trong Uỷ ban và Phân ban họ coi sóc, trong đó số Nghị viên Thành phố thuộc đảng họ chỉ có thể có tối đa 1/2 số ghế. Khi có bình chọn một quyết định nào đó, các Chủ tịch Uỷ ban và Phân ban chỉ bỏ lá phiếu quyết định nếu có số phiếu thuận và chống bằng nhau.

4. Cấu trúc Hội đồng Quốc gia

Sau mỗi kỳ bầu cử mỗi hai năm một lần, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia sẽ là một Nghị viên Quốc gia do đảng có đa số ghế tại Hội đồng Quốc gia chọn ra. Nếu có ít nhất hai đảng có cùng số ghế đa số so với các đảng khác, Thủ tướng sẽ chỉ định vị này từ một trong các Nghị viên Quốc gia do các đảng có đa số ghế đề nghị.

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia sẽ chỉ định các Chủ tịch Uỷ ban và Phân ban thuộc Hội đồng Quốc gia.

Các Chủ tịch Uỷ ban và Phân ban này sẽ chọn lọc thành viên trong Uỷ ban và Phân ban họ coi sóc, trong đó số Nghị viên Quốc gia thuộc đảng họ chỉ có thể có tối đa 1/2 số ghế. Khi có bình chọn một quyết định nào đó, các Chủ tịch Uỷ ban và Phân ban chỉ bỏ lá phiếu quyết định nếu có số phiếu thuận và chống bằng nhau.

5. Cấu trúc Nghị viện

Sau mỗi kỳ bầu cử mỗi hai năm một lần, Chủ tịch Nghị viện sẽ là một Nghị sĩ do đảng có đa số ghế tại Nghị viện chọn ra. Nếu có ít nhất hai đảng có cùng số ghế đa số so với các đảng khác, Phó Tổng thống sẽ chỉ định vị này từ một trong các Nghị sĩ do các đảng có đa số ghế đề nghị.

Chủ tịch Nghị viện sẽ chỉ định các Chủ tịch Uỷ ban và Phân ban thuộc Nghị viện.

Các Chủ tịch Uỷ ban và Phân ban này sẽ chọn lọc thành viên trong Uỷ ban và Phân ban họ coi sóc, trong đó số Nghị sĩ thuộc đảng họ chỉ có thể có tối đa 1/2 số ghế. Khi có bình chọn một quyết định nào đó, các Chủ tịch Uỷ ban và Phân ban chỉ bỏ lá phiếu quyết định nếu có số phiếu thuận và chống bằng nhau.

4. Kiểm soát và cân bằng

Một tình trạng tốt đẹp nhất cho quốc gia là khi Tam Quyền cân bằng quyền lực, và cùng hợp tác tìm tiếng nói chung, mỗi bên nhượng một chút, vì quyền lợi tối thượng của quốc gia và nhân dân. Không có chỗ cho các tị hiềm cá nhân, chủ nghĩa bè phái, và nhất là trả thù vụn vặt rất đáng xấu hổ và bị nghiêm cấm bởi Hiến pháp.

Trong nội bộ Lập pháp, một tình trạng cân bằng quyền lực cũng nên được ổn định. Khác với nhiều lập pháp viện tại nhiều quốc gia khác, các lập pháp viện tại Việt Nam có tính tương đồng, bình đẳng, không được chia thành Thượng viện hoặc Hạ viện. Mỗi viện đều có nhiệm vụ riêng, trong đó nhiệm vụ cao cả nhất là Lập pháp theo ý nhân dân, thông qua Hiến pháp và các điều luật định.

Nghị viện, Hội đồng Quốc gia, Hội đồng Thành phố tất cả đều bình đẳng, đều là công cụ của nhân dân, do nhân dân lập nên, bầu chọn, kiểm soát, và nếu cần sẽ sa thải các thành viên trong các lập pháp viện này.

5. Minh bạch trong Lập pháp

Các cuộc tranh luận và biểu quyết tại các lập pháp viện Quốc gia và Thành phố đều được ghi âm, ghi hình, và mở rộng cho nhân dân vào tham gia như là các khán thính giả.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét