Thư Quốc gia số 93: Về Quyền hạn của Tổng thống

Thư Quốc gia số 93 

Về chức vụ, quyền hạn, và nhiệm vụ của Tổng thống

Kính thưa Quốc dân và Đồng bào Việt Nam yêu quý,

Thư Quốc gia số 91 ghi rõ cấu trúc tổ chức Ngành Hành pháp. Bài này sẽ bàn về chức vụ, quyền hạn, và nhiệm vụ của Tổng thống.

1. Lịch sử

Hiến pháp 7 (HP7) được viết ra lần đầu và công bố vào ngày 14 tháng 2, 2009, tại Washington DC, Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ. Cho đến khi Ban Biên tập HP7 viết các hàng chữ này vào tháng 10, 2009, HP7 vẫn chưa được biết đến nhiều tại hải ngoại và tại Việt Nam.

Ban Biên tập HP7 hy vọng một cuộc Trưng cầu Dân ý trong và ngoài nước Việt Nam về HP7 sẽ được thực hiện vào một lúc nào đó trong tương lai gần.

Nếu Nhân dân Việt Nam phê duyệt với tỉ lệ phiếu thuận ít nhất 2/3 tổng số phiếu bầu, HP7 sẽ có hiệu lực lập tức. Một cuộc Tổng Tuyển cử toàn quốc sẽ xảy ra mau chóng sau đó, chiếu theo Chương 8, và Ngành Hành pháp sẽ được thành lập chiếu theo Chương 5 của Hiến pháp 7.

2. Nhiệm vụ và Quyền hạn của Tổng thống

2.1. Quyền tham gia vào Lập pháp

HP7 cho phép Tổng thống quyền tham gia vào giai đoạn đầu và chót của tiến trình Lập pháp, đò là quyền đề nghị Quốc hội soạn thảo Dự Luật, và quyền Phê duyệt hoặc Phủ quyết các Dự Luật do Quốc hội thông qua. Tổng thống có quyền đưa ý kiến để Quốc hội soạn Dự Luật. Một khi nhận được một Dự Luật đã được Quốc hội thông qua, Tổng thống có ba sự lựa chọn:

2.1.1. Ký tên Phê chuẩn để Dự Luật trở thành Luật.

2.1.2. Phủ quyết Dự Luật. Tổng thống không thể thay đổi bất cứ điểm nào trong Dự Luật, nhưng có thể Phủ quyết toàn bộ. Trong trường hợp Tổng thống Phủ quyết, nếu có số phiếu thuận ít nhất 2/3 tổng số phiếu, Quốc hội có thể bác bỏ quyền Phủ quyết của Tổng thống. Nếu bị bác bỏ quyền Phủ quyết trong Dự Luật đang tranh cãi, Tổng thống phải ký tên phê chuẩn Dự Luật để trở thành Luật, và phải ban hành, thực thi điều Luật này không được chậm trễ.

2.1.3. Trong vòng 14 ngày lịch, kể cả các ngày cuối tuần và nghỉ lễ, Tổng thống có quyền tham vấn bằng văn bản với Tối cao Pháp viện và Quốc hội, xem một điều khoản nào đó có Hợp Hiến hay không, hoặc yêu cầu Quốc hội giải thích hoặc sửa đổi. Tối cao Pháp viện và Quốc hội phải có văn bản trả lời trong vòng 14 ngày lịch sau khi nhận được lời yêu cầu, và Tổng thống có 14 ngày lịch sau đó để quyết định. Tổng thống chỉ có thể tham vấn hoặc yêu cầu giải thích một lần, không giới hạn số điều khoản, cho mỗi Dự Luật.

2.2. Quyền tham gia vào tiến trình Tư pháp

2.3.1. Tổng thống được quyền ân xá hoặc giảm án cho bất cứ công dân Việt Nam và ngoại quốc nào đã bị Tư pháp xử tội, mà không cần giải thích.

2.3.2. Quyền Đặc miễn Hành pháp cho phép Tổng thống có quyền giữ bí mật trong 30 năm mọi vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia, không cần phải giải thích cho công chúng, Lập pháp và Tư pháp.

2.3. Quyền Hành pháp

Nhiệm vụ chính của Tổng thống như là vị lãnh đạo tối cao của Việt Nam Dân Quốc sẽ là đứng đầu ngành Hành pháp qua việc thực thi các điều luật do Quốc hội thông qua. Trong tiến trình này, Tổng thống phải bảo đảm tất cả mọi điều luật, và lệnh hành pháp ông đưa ra, phải tuân theo Hiến pháp.

2.3.1. Đối nội

Vào bất kỳ thời điểm nào, Tổng thống hoặc một đa số 2/3 trở lên tại Quốc hội đều có thể quyết định tổ chức một cuộc Trưng cầu Dân ý xảy ra 30 ngày sau quyết định đó. Một đa số 2/3 trở lên của cuộc Trưng cầu Dân ý sẽ là kết quả cuối cùng của mọi vấn đề quốc gia. Chỉ Tổng thống mới có quyền thay thế Thủ tướng. Trong vòng 30 ngày sau khi được bầu lên, Tổng thống vừa được bầu phải chỉ định xong tất cả mọi Bộ trưởng trong chính phủ. Trước Ngày Đăng Danh tức là ngày thứ Ba lần hai trong tháng Giêng của năm sau cuộc bầu cử, tất cả các Bộ trưởng sẽ phải hoàn tất việc nhận nhiệm sở của họ.

Là vị đứng đầu Hành pháp, Tổng thống có Đặc quyền Hành pháp sa thải bất cứ nhân viên nào thuộc Hành pháp, bao gồm cảc vị được bầu lên như các Thống đốc Thành phố, hoặc không được bầu lên như các vị Tướng trong Bộ An ninh Quốc gia mà không cần giải thích lý do.

2.3.1.a. Văn phòng Hành pháp cuả Tổng thống

Mỗi ngày, Tổng thống phải đối mặt với hàng trăm vấn đề quốc gia và quốc tế, trong đó có nhiều vấn đề có tính lâu dài nhưng cũng có các vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay lập tức. Để phụ giúp Tổng thống có được đầy đủ các thông tin trong nước và trên thế giới, cùng với các lời đề nghị của các chuyên gia trong nhiều ngành quan trọng, Văn phòng Hành pháp của Tổng thống được thành lập và bao gồm các văn phòng cố vấn sau đây. Số văn phòng có thể được thêm bớt tùy tình hình quốc gia và quốc tế.

- Văn phòng cố vấn kinh tế.

- Văn phòng cố vấn môi trường.

- Văn phòng cố vấn các chính sách nội địa.

- Văn phòng cố vấn các chính sách đối ngoại.

- Văn phòng cố vấn an ninh quốc gia.

- Văn phòng cố vấn ngân sách.

- Văn phòng cố vấn phòng trữ tội phạm và ma tuý.

- Văn phòng cố vấn các chính sách khoa học và kỹ thuật.

Giám đốc các văn phòng kể trên có nhiệm vụ soạn thảo bản báo cáo tóm lược hàng ngày cho Tổng thống xem xét. Nếu cần, vào bất cứ lúc nào, Tổng thống có quyền gọi các vị Giám đốc tư vấn các vấn đề văn phòng các vị Giám đốc đó chịu trách nhiệm, để Tổng thống có thể có được các quyết định sáng suốt nhất có thể.

Khi một vị Tổng thống còn đang tại nhiệm, Giám đốc và toàn thể nhân viên các văn phòng cố vấn không được công khai hoá các vấn đề đang được bàn thảo và bình luận về các quyết định được Tổng thống thông qua.

Sau khi một vị Tổng thống thôi chức vụ, các vấn đề trong Văn phòng Hành pháp đều có thể công khai hóa trừ khi có liên quan đến an ninh quốc gia; trong trường hợp đó, Văn phòng Hành pháp của vị Tổng thống kế tiếp có thể ngăn chận nhưng việc này nên giảm thiểu tối đa trong tinh thần minh bạch hóa chính quyền tại Việt Nam Dân Quốc.

2.3.1.b. Hội đồng Cố vấn Quốc gia

Hội đồng Cố vấn Quốc gia bao gồm nhiều nhân sĩ, chí sĩ, học giả Việt Nam và ngoại quốc đang sống tại Việt Nam và nước ngoài. Tổng thống đích thân chọn lựa và thôi chọn lựa các vị này. Văn phòng Hành pháp sẽ liên lạc và giải quyết các vấn đề lương bổng, trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc dàn xếp cho Tổng thống liên lạc trực tiếp với các vị này.

2.3.1.c. Cơ quan và Ủy ban Hành chánh Quốc gia

Ngoài ra, Tổng thống còn đứng đầu hàng trăm Cơ quan và Uỷ ban Hành chánh quốc gia, với nhiệm vụ chính là đề ra các chính sách quốc gia, trong khuôn khổ các điều Luật được phê duyệt trước đó.

Các Cơ quan và Uỷ ban này có quyền lực trên các cơ quan và ủy ban hành chánh địa phưong tại các thành phố. Tổng thống có quyền thay thế các vị Giám đốc các cơ quan và ủy ban này. Các Bộ trong Nội các lo về hoạt động và hiện thực hoá các chính sách do các Cơ quan và Uỷ ban này đưa ra.

Một số Cơ quan và Uỷ ban Hành chánh Quốc gia bao gồm:

- Cơ quan chuyên trách trẻ em và gia đình.

- Cơ quan chuyên trách thuốc men và thực phẩm.

- Cơ quan chuyên trách về quản lý thị trường.

- Cơ quan chuyên trách về an sinh xã hội.

- Cơ quan chuyên trách về giáo dục.

- Cơ quan chuyên trách về giao thông.

- Cơ quan chuyên trách về môi trường.

- Cơ quan chuyên trách về bất động sản.

2.3.2. Chiến tranh và Đối ngoại

Tổng thống phải đứng ra bảo đảm cho nền độc lập quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, và thực thi các bản hiệp ước.

Tổng thống phải điều đình các hiệp ước quốc tế, bằng cách chủ tọa các ủy ban đặc biệt.

Các ủy ban này có trách nhiệm trông coi các vấn đề thường ngày.

Tổng thống phải tham khảo thường xuyên với các ủy ban thích hợp tại Thượng viện, ngõ hầu sau khi được thỏa thuận các hiệp ước này sẽ được thông qua mau chóng tại Thượng viện.

Tổng thống có quyền hành, bởi và với sự tư vấn và đồng ý của Thượng viện, lập các bản hiệp ước quốc tế, với điều kiện được Thượng viện thông qua với số phiếu thuận đạt ít nhất 2/3 tổng số phiếu. Ngoài ra Tổng thống cũng, bởi và với sự tư vấn và đồng ý của Thượng viện, chỉ định đại sứ và lãnh sự đại diện cho Việt Nam trên khắp thế giới.

Tổng thống là Tổng Tư Lệnh của quân đội. Tổng thống chủ trì các ủy ban và hội đồng quốc phòng tối cao. Tổng thống có quyền Phủ quyết trong việc tăng chức, thay thế, hoặc truất nhiệm các tướng lãnh quân đội theo sự đề nghị của Thủ tướng.

Tổng thống có quyền khởi động can thiệp quân sự chống lại một quốc gia khác. Khi đó, Tổng thống phải thông báo cho Quốc hội về quyết định quân sự trong vòng 3 ngày sau khi việc đó xảy ra. Trong vòng 7 ngày, một đa số 2/3 trở lên tại cuộc họp khoáng đại Lưỡng viện Quốc hội sẽ công bố ủng hộ hoặc không ủng hộ quyết định dùng quân sự của Tổng thống.

Nếu một quyết định không ủng hộ được Quốc hội công bố, Tổng thống sẽ có 7 ngày để làm việc với Quốc hội về các khác biệt quan điểm. Nếu sau 7 ngày vẫn không có được sự đồng thuận, một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc sẽ được tổ chức trong vòng 14 ngày xem có nên tiếp tục chiến tranh hay không. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ là quyết định cuối cùng, cả Quốc hội và Tổng thống phải tuân lệnh nhân dân, không được chậm trễ.

- Nhân dân Việt Nam -

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét