Thư Quốc gia số 91: Cấu trúc Ngành Hành pháp

Thư Quốc gia số 91 

Cấu trúc Ngành Hành pháp

Kính thưa Quốc dân, Đồng bào Việt Nam yêu quý,

Tổng thống Việt Nam Dân Quốc đứng đầu quốc gia và là vị Tổng Tư lệnh của tất cả mọi binh chủng quân đội và cảnh sát. Tổng thống có nhiệm vụ thi hành các bộ Luật đã được phê duyệt. Để làm việc này, Tổng thống bổ nhiệm (1) Giám đốc Văn phòng Tổng thống, (2) Giám đốc các Hội đồng Cố vấn Quốc gia, (3) Giám đốc các Cơ quan và Ủy ban Hành chính Quốc gia, (4) Thủ tướng và (5) Hội đồng Nội các trong đó có các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Tổng thống có đặc quyền thôi chức bất cứ ai trong Hành pháp mà không cần cho biết lý do.

Phó Tổng thống chỉ giữ nhiệm vụ thay thế Tổng thống khi cần thiết, chứ không tham gia vào việc điều hành Hành pháp trừ khi được Tổng thống yêu cầu.

A. Văn phòng Tổng thống

Mỗi ngày, Tổng thống phải trực diện với rất nhiều quyết định, mỗi điều như vậy đều có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân và vận mạng quốc gia. Để giúp Tổng thống lập quyết định sáng suốt nhất có thể được, Văn phòng Tổng thống với nhiều phân ban sẽ giúp thu thập tài liệu, lập kế hoạch và trình lên Tổng thống các lời đề nghị khác nhau để Tổng thống lập quyết định cuối cùng.

Văn phòng Tổng thống quản lý các Hội đồng Cố vấn Quốc gia, các Cơ quan và Ủy ban Hành chính Quốc gia như sau.

B. Văn phòng Hội đồng Cố vấn Quốc gia

Một số Hội đồng Cố vấn trực thuộc Văn phòng Tổng thống bao gồm: Kinh tế, An ninh Quốc gia, Khoa học Kỹ thuật, Thương mại, Tình báo, Giáo dục.

Giám đốc các Hội đồng Cố vấn Quốc gia có nhiệm vụ cố vấn cho Tổng thống trong các quyết định chính sách quốc gia, tuy tất cả vẫn theo các điều do Hiến định và các điều Luật.

Ví dụ, tuy vẫn phải sử dụng tối đa 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục, Tổng thống có quyền sắp xếp trong việc chi phí các ngân khoản, ví dụ một số phần trăm nào đó cho giáo dục đại học, trung học, dạy nghề, xây cất trường lớp, v.v...

Giám đốc Hội đồng Cố vấn Giáo dục có nhiệm vụ phân tích các điều lợi hại trong các ngân khoản chi tiêu cho từng nhóm và đệ trình lên Tổng thống. Tổng thống sẽ quyết định và ra lệnh cho Thủ tướng thi hành.

Thủ tướng sẽ tùy ý sắp xếp và phối hợp nhiều Bộ trưởng để thi hành, ví dụ việc xây nhiều trường mới phải có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giao thông Vận tải, Khoa học Kỹ thuật, Bất động sản và Phát triển Cộng đồng.

C. Văn phòng Cơ quan và Ủy ban Hành chính Quốc gia

Khoảng 100 Cơ quan và Ủy ban Hành chính Quốc gia hoạt động độc lập khỏi Hành pháp, tuy Giám đốc các nơi này đều do Tổng thống bổ nhiệm. Các Cơ quan và Ủy ban này thực hiện các nhiệm vụ trong các ngành: an sinh xã hội, quản lý thị trường, môi trường, năng lượng, nông nghiệp, nhà đất, dược phẩm, thực phẩm, văn hóa, nghệ thuật, việc làm, giáo dục, tiền tệ, thuế vụ, khoa học, kỹ thuật, du lịch, giải trí, tổ chức bầu cử, v.v...

Các Cơ quan và Ủy ban này độc lập khỏi Hành pháp để giữ tính liên tục các chính sách quốc gia có tính chuyên môn cao. Điển hình nhất có lẽ là Cơ quan Quản lý An toàn Dược và Thực phẩm.

Các chính sách, lời chỉ dẫn, của Cơ quan này không có tính chính trị, mà chỉ vì lý do khoa học, do đó không cần thuộc Hành pháp. Cơ quan Bảo đảm An sinh Xã hội cũng có chính sách, lời chỉ dẫn riêng cho các vấn đề hưu bổng, y tế miễn phí hoặc giảm giá kéo dài nhiều năm, do đó hoàn toàn phi chính trị và không thuộc Hành pháp. Các Cơ quan và Ủy ban này thiên về lập các lời chỉ dẫn có tính chính sách, trong khi các Bộ tuy cùng tên nhưng thiên về thực thi các chính sách do các Cơ quan và Ủy ban này đề ra.

Việc này nhằm tránh việc các chính trị gia xen vào và chính trị hóa các vấn đề khoa học, an sinh xã hội vốn càng tách rời xa chính trị càng tốt.

D. Văn phòng Nội các 

Nội các chính phủ bao gồm 15 Bộ trưởng, 15 Thứ trưởng. Các Bộ bao gồm: Bộ Nông

Nghiệp, Bộ Kinh tế, Tài chánh, và Thương mại, Bộ Y tế, Bộ Năng lượng, Bộ Khoa học

Kỹ thuật, Bộ Giáo dục, Bộ Cựu Chiến binh, Bộ Bất động sản và Phát triển Cộng đồng,

Bộ An sinh Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thể thao, Bộ Lao động, Bộ Công tố Quốc gia, Bộ An ninh Quốc gia. Bộ An ninh Quốc gia bao gồm Quân đội, Cảnh sát, và Tình báo.

Việt Nam Dân quốc là một quốc gia Dân chủ Lập Hiến, do đó chính phủ dân sự kiểm soát quân đội và cảnh sát. Tổng thống là Tổng Tư Lệnh Tối cao, do đó có quyền sa thải bất cứ quân nhân hoặc cảnh sát nào mà không cần nêu lý do. Đây là đặc quyền Hiến định.

- Nhân dân Việt Nam -


(còn tiếp)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét