Thư Quốc gia số 53: Tự do tín ngưỡng, lương tâm, và tôn giáo

Thư Quốc gia số 53 

Tự do Tôn giáo, Lương tâm, và Tín ngưỡng

Kính thưa Quốc dân, Đồng bào Việt Nam yêu quý, 

Tự do tôn giáo là một nguyên tắc ủng hộ quyền tự do cá nhân và cộng đoàn, trong chốn tư nhân và nơi công cộng, để hành sự tôn giáo và bày tỏ tín ngưỡng trong việc giảng dạy, thực hành, thờ phụng, và tôn kính. Khái niệm này cũng được mở rộng đến việc chấp nhận việc tự do thay đổi tôn giáo và không phải theo bất cứ tôn giáo nào.

Tuy là một quốc gia không có quốc giáo, Việt Nam Dân quốc cho phép tự do tín ngưỡng, lương tâm, và tôn giáo. Chính phủ cho phép mọi tôn giáo được quyền tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, và các điều luật định sẽ được Quốc hội thông qua và Tổng thống phê duyệt sẽ có hiệu lực cho đồng đều mọi tôn giáo, không có bất cứ một hạn chế riêng biệt cho bất cứ một tôn giáo nào.

1. Định nghĩa tôn giáo và tín ngưỡng

Chữ “religion” từ gốc tiếng La tin “religare” nghĩa là “dính chặt” Năm 1993, Uỷ ban

Nhân quyền Liên hiệp quốc mô tả tôn giáo và tin ngưỡng là “những sự tin tưởng về Thượng đế, phi Thượng đế, và kháng Thượng đế, cũng như quyền không tin tưởng vào bất cứ tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào”.

Các sự tin tưởng mô tả trên đây đem lại hy vọng và sự an ủi cho hàng tỉ người trên trái đất, và giữ vai trò tiềm ẩn trong việc gìn giữ hòa bình và hòa giải. Nhưng các sự tin tưởng đó cũng là nguồn cội nhiều sự căng thẳng và xung đột. Các điều phức tạp này, cùng sự khó khăn của việc định nghĩa “tôn giáo”, “tín ngưỡng”, “tà giáo”, hiện vẫn là mối khúc mắc của nhiều vấn đề có tính quốc tế và quốc gia tại nhiều vùng trên thế giới trong đó có quốc gia Việt Nam chúng ta.

2. Một vấn đề phức tạp và hay gây tranh cãi

Các cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo đã được thực hiện qua nhiều thế kỷ, và đã dẫn đến rất nhiều cuộc xung đột bi thảm tại nhiều quốc gia và châu lục. Từ sau Thế chiến 2 đến nay, thế giới dường như đã và đang tìm ra một sự đồng thuận có tính quốc tế về việc tôn trọng các khác biệt về tôn giáo, tuy nhiên nhiều cuộc xung đột tôn giáo vẫn ngấm ngầm xảy ra.

Cá biệt tại vùng Trung Cận đông, tôn giáo nhiều khi không và không thể tách rời khỏi chính trị, do đó nhiều cuộc xung đột chính trị và tôn giáo bị cuốn vào làm một, từ đó rất khó giải quyết vì không có sự minh bạch và tách rời cần thiết cho hai vấn đề này. Nhiều cố gắng có tính quốc tế đang được thực hiện để giải quyết, nhưng hiện nay vẫn chưa thành công.

3. Các Quyền về Tôn giáo, Lương tâm, và Tín ngưỡng tại Việt Nam Dân Quốc

Trong khi chờ đợi Quốc hội Việt Nam Dân Quốc thông qua các điều luật thật chi tiết về việc tôn trọng và thực thi các quyền luật về tôn giáo, lương tâm, và tín ngưỡng, tạm thời Hiến pháp 7 đề nghị Việt Nam Dân Quốc tuân thủ mọi điều khoản về vấn đề này như đã được Liên Hiệp Quốc thông qua trong các bản Tuyên ngôn và Hiệp ước có liên hệ.

Liên Hiệp Quốc công nhận tầm quan trọng của tự do tôn giáo và tín ngưỡng qua việc thông qua Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền năm 1948, trong đó Điều 18 ghi rõ "Mọi người đều có quyền tự do trong suy nghĩ, lương tâm, và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do chọn lựa tôn giáo và các tín ngưỡng theo ý riêng của mọi người".

Sau đó, năm 1966, Liên Hiệp Quốc thông qua Hiệp ước Quốc tế về Quyền Dân sự và

Chính trị, phát triển thêm phần nói về tôn giáo và tín ngưỡng trong Tuyên ngôn năm

1948 kể trên. Điều 18 trong Hiệp ước này bao gồm bốn đoạn văn về vấn đề này như sau:

1. Mọi người có quyền tự do trong suy nghĩ, lương tâm, và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc chọn tôn giáo và tín ngưỡng theo ý riêng mọi người, được tự do bày tỏ tôn giáo, tín ngưỡng, qua việc thờ phụng, tôn kính, thực hành và giảng dạy theo cá nhân hoặc trong cộng đoàn với người khác trong chốn riêng tư hoặc nơi công cộng.

2. Không ai có thể bị làm đối tượng cho một sự ép buộc phải gây tổn hại hoặc suy giảm niềm tin tôn giáo người đó đã chọn.

3. Quyền tự do hành sự tôn giáo và bày tỏ tín ngưỡng có thể là đối tượng của một số hạn định như trên chỉ có thể được thực hiện bởi các điều luật và khi cần thiết phải bảo vệ an toàn công cộng, trật tự, sức khỏe, đạo đức, hoặc quyền và tự do căn bản của người khác.

4. Các quốc gia thành viên hiện tại của Hiệp ước này phải dùng mọi biện pháp để tôn trọng quyền tự do của phụ huynh và, khi cần, người giám hộ hợp pháp, được bảo đảm rằng việc giáo dục tôn giáo và đạo đức của con em họ là phù hợp với điều họ tin tưởng.

Năm 1981, Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên ngôn Loại bỏ Mọi Hình thức Bất Khoan nhượng và Kỳ thị về Tôn giáo và Tín ngưỡng. Trong đó thêm vào nhiều điều khoản, một số quan trọng được ghi ra dưới đây:

Điều 2: Các nhóm Kỳ thị.

Điều khoản này nhận dạng các nhóm có thể gây ra sự kỳ thị, cùng lúc điều khoản cũng xác quyết quyền không là đối tượng của các sự kỳ thị dựa trên tôn giáo và tín ngưỡng bởi:

- Chính phủ và chính quyền (quốc gia, thành phố, quận huyện);

- Cơ quan (công quyền hoặc tư nhân, tôn giáo hoặc phi tôn giáo);

- Nhóm người;

- Cá nhân nào đó.

Điều 3: Liên hệ đến các quyền khác.

Điều khoản này liên kết Tuyên ngôn 1981 của Liên Hiệp Quốc với các hồ sơ quốc tế khác. Điều 3 tuyên bố rằng kỳ thị dựa trên tôn giáo và tín ngưỡng là một sự khinh bạc đến phẩm giá con người và là một sự bất tuân các nguyên tắc căn bản nhất của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và phải bị kết án như là một sự vi phạm nhân quyền và các quyền tự do căn bản đã được công bố trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, và được liệt kê chi tiết trong:

- Hiệp ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị;- Hiệp ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội, và Văn hóa.

Điều 4: Các cách giải quyết.

Điều 4 tuyên bố rằng mọi Chính phủ và Chính quyền (bao gồm mọi thành phần trong một xã hội văn minh) đều nên có các cách giải quyết hiệu quả để ngăn chận và giải tỏa các sự kỳ thị dựa trên tôn giáo và tín ngưỡng:

- Các hành động trong mọi lãnh vực đời sống dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội, và văn hóa;

- Thông qua hoặc bãi bỏ nếu cần thiết các điều luật để nghiêm cấm các hành vi kỳ thị như vậy;

- Làm mọi cách để đấu tranh chống bất khoan nhượng trong tôn giáo và tín ngưỡng.

Điều 5: Phụ huynh, người giám hộ, và trẻ em.

Các quyền sau đây sẽ có liên quan và chịu ảnh hưởng một khi điều khoản này được thực thi:

- Quyền của phụ huynh hoặc người giám hộ hợp pháp trong việc dạy dỗ tôn giáo và tín ngưỡng của họ cho trẻ em;

- Quyền của trẻ em được giáo dục tôn giáo và tín ngưỡng theo ý phụ huynh và người giám hộ hợp pháp, và quyền được không tuân theo nếu trẻ em không muốn chấp nhận sự giáo dục đó;

- Quyền trẻ em được bảo vệ khỏi kỳ thị và được giáo dục sự khoan nhượng và chấp nhận các ý kiến khác biệt trong tôn giáo và tín ngưỡng;

- Quyền ước muốn của trẻ em khi không dưới dự chăm sóc của phụ huynh hoặc người giám hộ;

- Quyền của Chính phủ và Chính quyền các cấp trong việc hạn chế các hành sự tôn giáo nào có thể gây nguy hại đến việc phát triển hoặc sức khỏe của trẻ em.

Điều 6: Việc hành sự tôn giáo và tin ngưỡng.

Các quyền sau đây sẽ có liên quan và chịu ảnh hưởng một khi điều khoản này được thực thi:

- Quyền được thờ phụng và quy tụ, xây dựng và giữ gìn nơi thờ phụng;

- Quyền thành lập và phát triển các cơ quan từ thiện và nhân đạo;

- Quyền sản xuất, thu nhận và sử dụng các nguyên vật liệu cho việc lễ nghi và thờ phụng;

- Quyền sáng tác, in ấn, và phát hành các tác phẩm tôn giáo và tín ngưỡng;

- Quyền giảng dạy tôn giáo và tín ngưỡng tại các nơi thích hợp cho các việc này;

- Quyền khuyến khích và thu nhận các sự đóng góp tài chánh tự nguyện;

- Quyền huấn luyện, bổ nhiệm, bầu chọn, hoặc chỉ định lãnh đạo tôn giáo;

- Quyền chọn ngày nghỉ và tổ chức ăn mừng các ngày lễ và nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng;

- Quyền thành lập và giữ gìn sự thông tin liên lạc giữa các cá nhân, đoàn thể tôn giáo và tín ngưỡng trong quốc gia cũng như ở mức độ quốc tế.

Điều 7: Các điều luật quốc gia.

Điều khoản này tuyên bố rằng mọi quyền luật được nêu ra trong Tuyên ngôn năm 1981 của Liên Hiệp Quốc cần thiết phải được lập thành các điều luật quốc gia trong tinh thần mọi người dân đều được hưởng các quyền luật và tự do này trong thực tế.

Điều 8: Các sự bảo vệ đang được thực thi.

Điều khoản này chứng thực rằng Tuyên ngôn năm 1981 của Liên Hiệp Quốc không có ý nghĩa bắt buộc tại mọi quốc gia, nhằm không cần phải xóa bỏ các sự bảo vệ về luật pháp hiện đã có tại các quốc gia thành viên trong tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Điều 8 ghi rằng không có điều khoản nào trong bản Tuyên ngôn này nên được giải thích rằng đã đi ngược lại Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, và Hiệp ước Quốc tế về Nhân quyền.

4. Các cơ quan bảo vệ và phát triển tôn giáo, lương tâm, và tín ngưỡng 

Cơ quan Tôn giáo, Lương tâm, và Tín ngưỡng sẽ được thành lập, trực thuộc Văn phòng Tổng thống (xin xem Sơ đồ Cấu trúc ngành Hành pháp). Cơ quan này chuyên việc nghiên cứu các chính sách dài hạn.

Một Ủy ban Tôn giáo, Lương tâm, và Tín ngưỡng sẽ được thành lập, trực thuộc Văn phòng Tổng thống, chuyên việc giải quyết các vấn đề thường nhật có liên quan. Giám đốc Ủy ban này có trách nhiệm báo cáo lên Tổng thống.

Thủ tướng có nhiệm vụ lắng nghe các ý kiến của Tổng thống đưa ra về các vấn đề này, và theo đó thực hiện.

Trực thuộc Văn phòng Thủ tướng là 64 Thống đốc các Thành phố, tất cả đều thuộc Hành pháp, đều phải tuân thủ sự chỉ huy của Thủ tướng trong vấn đề rất quan trọng và nhạy cảm này.

Chính quyền các Thành phố cũng có các Ủy ban tương tự để thực thi các điều luật trong vấn đề này, trước đó đã được Hội đồng Thành phố và Quốc hội thông qua.

Như vậy, việc thực thi Quyền Tự do Tôn giáo, Lương tâm, và Tín ngưỡng tại Việt Nam Dân Quốc sẽ hết sức quy mô và chặt chẽ. Không một cá nhân hoặc ngay cả cơ quan, chính phủ, chính quyền nào có thể lạm dụng quyền hành, hoặc dùng ảnh hưởng cá nhân, cục bộ áp đặt lên Quyền Tự do này.

5. Tôn giáo và Tin ngưỡng là các Công cụ để giữ vững lương tâm, quốc tính, từ đó hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc Việt Nam, giữa Việt Nam Dân Quốc và các quốc gia khác trên thế giới

5.1. Vài hàng tóm lược các tranh chấp tôn giáo trong lịch sử Việt Nam.

Do hoàn cảnh lịch sử phức tạp, rất đáng tiếc là Việt Nam bị trải qua nhiều cuộc tranh chấp đất đai, ảnh hưởng, chính trị, có tính chất tôn giáo trong vài ngàn năm qua.

Do ảnh hưởng Phật giáo từ Trung quốc và Ấn độ do các nhà sư sang vùng đất nay thuộc

Bắc và Trung Việt Nam truyền giáo từ vài ngàn năm trước, Việt Nam chịu ảnh hưởng Phật giáo rất sâu đậm, và điều này đi vào lịch sử, văn học, tinh thần dân tộc. Thời nhà Lý cách đây một ngàn năm, Phật giáo từng là quốc giáo, và như vậy Phật giáo gắn liền với triều đình nhà Lý.

Sang qua đời Trần, sau khi lật đổ nhà Lý, rất đáng tiếc là một cuộc tảo thanh toàn quốc dòng tộc nhà Lý trở thành một cuộc thanh trừng Phật giáo, gây nhiều cảnh tang thương đổ máu, có sách sử cho rằng từng có việc róc mía trên đầu các nhà sư trong thời kỳ này.

Cách đây vài trăm năm, theo các thương thuyền từ Âu châu là các nhà truyền giáo thuộc Công giáo. Lần nữa, tôn giáo lại bị gắn liền với chính trị, và khi chống việc xâm lăng từ các quốc gia Âu châu, triều đình nhiều nhà vua Việt Nam lại chống luôn cả các nhà truyền giáo, và Công giáo. Việc bắt đạo xảy ra rất khủng khiếp trong vài trăm năm, nhiều trăm ngàn giáo hữu Công giáo bị thảm sát, dẫn đến việc truy tặng và phong thánh cho 117 vị Thánh Công giáo tử vì đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại Rome, do Đức Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị chủ tọa.

Sang đến lịch sử Việt Nam thời hiện đại cũng có nhiều việc đáng tiếc xảy ra, và hiện nay đại đa số nhân dân Việt Nam cho rằng Việt Nam vẫn không có tự do tôn giáo một cách có thể chấp nhận được, và một cách toàn diện như trong các Tuyên ngôn, Hiệp ước, được Liên Hiệp Quốc công bố.

5.2. Việt Nam Dân Quốc nên tránh khỏi các sai lầm trong lịch sử trong vấn đề tôn giáo, lương tâm, và tín ngưỡng.

Vấn đề tôn giáo trong lòng dân tộc là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Do hiện nay đang có rất nhiều tôn giáo trên thế giới, một số có liên quan mật thiết với chính trị và quân sự, mọi người dân trong Việt Nam Dân Quốc phải hết sức quan tâm đến vấn đề ổn định tôn giáo để có được ổn định quốc gia.

Các điều luật được viết ra sau này, và lối hành xử của Hành pháp, sẽ phải hết sức cẩn thận để cùng lúc thực thi Quyền Tự do Tôn giáo, Lương tâm, và Tín ngưỡng, đồng lúc phải tránh một số người hoặc đoàn thể lợi dụng tôn giáo cho các mục đích ích kỷ cho riêng họ, nhóm họ, trong khi làm thiệt hại đến quyền lợi của số đông nhân dân và toàn quốc gia.

Trước hết, tôn giáo phải hoàn toàn tách rời khỏi chính trị và luật pháp. Điều này có nghĩa, không được viện dẫn tôn giáo hoặc các tư tưởng tôn giáo trong các cuộc tranh luận chính trị và luật pháp, ngoại trừ các cuộc tranh luận về đề tài tôn giáo trong chính trị và luật pháp, hoặc trong các vụ thưa kiện có tinh chất tôn giáo.

Các chức sắc tôn giáo cao cấp không được tham gia vào chính trị và luật pháp, không được tham gia ứng cử vào các chức vụ dân cử, không được làm thẩm phán.

Các trường do tôn giáo thiết lập không được kỳ thị học sinh không thuộc tôn giáo của trường, cũng không được thiên vị học sinh có cùng tôn giáo. Không được ép buộc học tôn giáo của trường, mà chỉ có thể buộc phải học về tôn giáo nói chung. Các khóa học về tôn giáo của trường phải đều là tự chọn, không được tính vào điểm số chung, điểm ra trường, và không được dùng tiền chính phủ trợ cấp cho trường để dạy các lớp này.

Các cuộc hành lễ tôn giáo và tín ngưỡng phải được thực hiện trong các nơi riêng tư hoặc định trước, chứ không được tổ chức nơi công cộng trừ khi có xin phép và được chính quyền cấp thích hợp đồng ý.

Các cuộc biểu tình có tính chất tôn giáo đều không được thực hiện. Nếu có bất đồng ý kiến giữa tôn giáo và chính phủ, chính quyền, thì có thể giải quyết qua các cuộc tranh luận chính thức trong ôn hòa, hoặc nếu vẫn không thể giải quyết thì có thể đem ra tòa án.

Mọi hình thức thiên vị hoặc kỳ thị đều bị nghiêm cấm. Mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, bất kể họ thuộc tôn giáo nào, hoặc phi tôn giáo, hoặc kháng tôn giáo trong thâm tâm (miễn là không bày tỏ ra nơi công cộng).

Để bảo vệ quyền lợi cho số đông dân chúng, Hội đồng Quốc gia với ít nhất 2/3 số phiếu thuận có thể đặt một tôn giáo nào đó ra ngoài vòng pháp luật trong vòng 5 năm, với lý do đó là một tà đạo hoặc tôn giáo đó có nhiều nghi lễ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, hoặc gây hại về tâm linh hay thể xác cho các giáo hữu tuân theo tôn giáo đó.

Tôn giáo nào bị ít nhất 2/3 Nghị viên trong Hội đồng Quốc gia Việt Nam nghiêm cấm hành đạo tại Việt Nam trong 5 năm sẽ có cơ hội kêu gọi Trưng cầu Dân ý. Kết quả cuộc Trưng cầu Dân ý với ít nhất 2/3 số phiếu sẽ là kết quả cuối cùng.

Các tổ chức tôn giáo hoạt động từ thiện, dạy giáo lý, giáo dục các cấp, đều được khuyến khích thành lập. Các tổ chức tôn giáo quốc tể cũng được mời gọi mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, để có thêm hiểu biết, cảm thông giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc, quốc gia khác trên thế giới.

Cho dù sẽ có nhiều luật chi tiết nhằm bảo vệ và phát triển các tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, một vài sự bất đồng có tính chất tôn giáo sẽ khó tránh khỏi. Hiến pháp 7 thiết tha kêu gọi đồng bào Việt Nam trong các thế hệ sau này nên nhường nhịn và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong các cuộc thương thuyết giải quyết các bất đồng tôn giáo, lương tâm, và tín ngưỡng.

Lợi ích của một tôn giáo nào đó không nên bị xem là sự thiệt hại của một tôn giáo khác hoặc cho những người phi tôn giáo hoặc kháng tôn giáo. Có như vậy thì Việt Nam Dân Quốc mới có thể phát triển đều hòa và mau chóng, nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho số đông nhất trong dân chúng - đúng như tinh thần căn bản trên đó Bản Hiến pháp này được thành lập.

- Nhân dân Việt Nam -

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét