Thư Quốc gia số 58: Tài sản và bất động sản cá nhân đều bất khả xâm phạm

Thư Quốc gia số 58 

Tài sản và bất động sản cá nhân đều bất khả xâm phạm

Kính thưa Quốc dân, Đồng bào Việt Nam yêu quý, 

Tại Việt Nam Dân Quốc, quyền sở hữu có thể tuyệt đối hoặc tương đối. "Quyền sở hữu tuyệt đối" bao gồm các điều thiêng liêng, không nhìn thấy được như quyền sở hữu tính mạng, đức tin tôn giáo, tình yêu Tổ quốc, tình yêu tha nhân, ông bà, cha mẹ, họ hàng, và con cháu. Không ai, kể cả Chính phủ, có thể vi phạm hoặc hạn chế các Quyền sở hữu tuyệt đối của bất cứ công dân nào. Không một Tòa án nào có thể ra lệnh cho một công dân phải bãi bỏ hoặc giảm nhẹ đức tin, tình yêu của người đó cho bất cứ Thượng đế nào người đó tin vào, hoặc người nào mà người đó tin yêu, tin tưởng - miễn người đó không có bất cứ hành động nào trái pháp luật.

"Quyền sở hữu tương đối" bao gồm quyền sở hữu tài sản trực tiếp và gián tiếp. Các tài sản trực tiếp là các tài sản có thể nhìn thấy được ngay trong hiện tại, ví dụ căn nhà, cơ xưởng. Các tài sản gián tiếp là các tài sản chưa được hiện thực hóa, ví dụ thu nhập trong tương lai, mùa lúa chưa gặt. Trong một vài trường hợp, các Quyền sở hữu tương đối này có thể bị thu hồi bởi một quyết định của Tòa án, ví dụ như một người làm ăn thua lỗ có thể bị tịch biên công xưởng để trả lại cho chủ nợ. 

Thư Quốc gia số 58 này chỉ bàn đến Quyền sở hữu tương đối. 

Tại Việt Nam Dân Quốc, Quyền sở hữu tương đối là một trong các chủ đề căn bản nhất về Luật pháp trong các quan hệ xã hội. Quyền này định ranh giới giữa Luật pháp với Lòng nhân đạo, Lòng biết ơn, Lòng yêu nước, và các đức hạnh khác nơi chủ đề có liên quan đến việc chia sẻ tài sản với người khác.

Có thể nói Quyền sở hữu tương đối là một quyền tựu trung vào cá nhân hoặc tập thể có quyền sở hữu tài sản, bất động sản, thay vì tựu trung vào tha nhân như lòng nhân đạo, biết ơn, yêu nước, v.v.. Nếu không có sự tựu trung này, một sự hổn loạn về định nghĩa ranh giới quyền sở hữu sẽ xảy ra.

Chủ nghĩa Cộng sản chủ trương không công dân nào có bất cứ Quyền sở hữu tuyệt đối và tương đối nào cả, vì tất cả mọi tài sản là của chung, và mọi người tuy phải cống hiến hết mình cho xã hội nhưng chỉ được thụ hưởng các thành quả làm việc theo nhu cầu của người đó. Do đó chủ nghĩa này tự bản chất tạo ra vô số bất công xã hội, vì sự cống hiến hoàn toàn không có liên quan đến việc thụ hưởng các thành quả của chính sự cống hiến này.

Chủ nghĩa Xã hội ít cực đoan hơn Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng cũng cho rằng tài sản công dân là của xã hội. Tuy Chủ nghĩa này công nhận một sự liên quan yếu ớt giữa sự cống hiến và việc thụ hưởng thành quả, nhưng các thành quả sẽ do Chính phủ định đoạt và Chính phủ có thể tùy ý tịch thu và hạn chế các thành quả này, ví dụ Chính phủ

CHXHCNVN từng tùy ý tịch thu tài sản, bất động sản, của rất nhiều công dân tại Miền Bắc trong cuộc Cải cách Ruộng đất và tại Miền Nam trong cuộc "đánh tư sản" sau khi họ dùng vũ lực xâm lăng Miền Nam.

Các việc trên đây không được phép xảy ra tại Việt Nam Dân Quốc, nơi tất cả tài sản tuyệt đối và tương đối đều bất khả xâm phạm, ngoại trừ khi có Tòa án thuộc Tư pháp tuyên bố một số tài sản tương đối nào đó phải được tịch biên để đền bù cho chủ nợ, cho người bị hại, hoặc để phục vụ cho lợi ích quốc gia và trong trường hợp sau cùng này người chủ tài sản tương đối phải được Chính phủ đền bù một cách thỏa đáng.

Tại Việt Nam Dân Quốc, Luật pháp trải rộng ra trong mọi tình huống và quan hệ xã hội. Luật pháp bao gồm nhiều khế ước xã hội mà mọi công dân phải tuân theo, vì lẽ mọi công dân đều có quyền tham gia vào việc thay đổi Luật pháp, và Luật pháp vào bất cứ thời điểm nào đều do đa số nhân dân Việt Nam lập ra trước đó. Ai vi phạm Luật pháp tức là vi phạm các khế ước xã hội do đa số nhân dân Việt Nam lập ra, tức là vi phạm đến quyền lợi của toàn dân và toàn quốc.

Luật pháp đòi hỏi tất cả mọi người đều có Quyền sở hữu tương đối các tài sản thuộc về họ, do đó một người có lòng công chính sẽ trả lại cho xã hội, cho quốc gia, các điều và tài sản thuộc về xã hội và quốc gia, ví dụ như tiền thuế, vì đó là tài sản quốc gia chứ không phải của cá nhân người đó. Ngược lại, nhiệm vụ của các nhân vật thuộc Chính phủ là phải bảo đảm cho toàn dân các Quyền sở hữu tương đối này, vì mục đích tốt đẹp cho toàn xã hội.

Nếu đa số nhân dân và nhân viên Chính phủ đều làm như trên đây thì Việt Nam Dân Quốc sẽ là một quốc gia hài hòa, mọi người tôn trọng tài sản của nhau, bảo đảm cho nhau các tài sản riêng tư bất khả xâm phạm, toàn xã hội sẽ tốt đẹp, giàu có, thịnh vượng.

Chính phủ Việt Nam Dân Quốc có thể đặt ra các sắc thuế và đặt ra một vài nghĩa vụ, có khi nặng nề, lên nhân dân, miễn là các điều này phục vụ cho sự cần thiết và lợi ích công cộng, chứ không hơn như vậy. Điều "không hơn như vậy" bao gồm việc phục vụ cho bất cứ cá nhân hoặc đảng phái nào.

Trong việc phục vụ cho lợi ích công cộng, Chính phủ Việt Nam Dân Quốc sẽ có quyền bắt buộc các công dân phải tham gia vào việc quốc phòng, đóng góp một phần bất động sản nào đó khi cần phải cất đường xá công cộng, miễn là các sự đóng góp và tham gia này phải được đền bù thỏa đáng.

Ngõ hầu để tôn trọng và thi hành Luật pháp, Quyền sở hữu tương đối phải được tôn trọng và nêu cao. Luật pháp, do đó, còn phải phụ thuộc vào Quyền sở hữu tương đối, và bao gồm, như Aristotle từng viết, Quyền bình đẳng trong đó yêu sách của ít nhất một người khác phải được thỏa ứng một cách công bằng và dứt khoát. Ví dụ tôi mượn một chiếc xe đạp của một người láng giềng, tôi sẽ phải trả lại chiếc xe đạp đó, hoặc nếu vì lý do nào đó tôi gây hư hại hoặc làm mất thì sẽ phải đền bù thỏa đáng, với cùng giá trị như nếu người đó mượn chiếc xe đạp đó của tôi.

Nói khác đi, nếu mọi người không có Quyền bình đẳng trước Luật pháp, xã hội không công nhận Quyền sở hữu tương đối, thì cũng không có Luật pháp - và ngược lại. Các điều này bổ túc cho nhau, và cùng tồn tại.

Do đó, Luật pháp đầy đủ và thỏa đáng đòi hỏi phải có một sự phân biệt rõ ràng giữa người chủ nợ và người mang nợ. Luật pháp không thể chỉ phục vụ cho một nhóm nào đó chứ không cho toàn bộ xã hội, và Quyền sở hữu tương đối cũng vậy. Luật và Quyền này phải được phân bố đồng đều trong mọi thành phần dân chúng.

Mọi của cải vật chất, thú vật, đều có thể thuộc Quyền sở hữu tương đối của công dân Việt

Nam Dân quốc. Quyền thu thập tài sản là một trong các Quyền cơ bản nằm trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền cho Việt Nam, và do đó không thể bị rút đi bởi bất cứ Chính phủ nào được bầu lên dưới Hiến pháp 7.

Lập pháp chỉ có thể lập các điều luật nhằm điều hành và định nghĩa các Quyền sở hữu tương đối, ví dụ bản quyền một quyển sách, một bài hát, chỉ có hiệu lực trong 20 năm sau khi xuất bản lần thứ nhất, nhưng không thể bãi bỏ bất cứ Quyền sở hữu tương đối nào miễn là tài sản này được tạo ra hoặc thu thập một cách hợp pháp. Chính phủ phải bảo vệ và duy trì Quyền sở hữu tương đối, chứ không thể rút bỏ đi.

Không chỉ các cá nhân mà các hội đoàn, xã đoàn, công ty, cũng có Quyền sở hữu tuyệt đối và tương đối. Cá nhân các công dân không thể một mình làm mọi việc cần thiết cho nhu cầu an toàn, an ninh, và phẩm giá cho sự tồn tại của chính họ. Các cá nhân trong xã hội cần phải thành lập, gia nhập các nhóm hội đoàn họ cảm thấy thích ứng. Các hội đoàn, xã đoàn, công ty này một khi thành lập sẽ tự có thêm các Quyền sở hữu của nhóm họ, trong đó sẽ có tài sản, bất động sản thu thập một cách chính đáng.

Chính phủ có thể lập và thông qua một số điều luật nhằm điều hành và ngay cả hạn chế một số Quyền này, ví dụ các cơ sở tôn giáo có thể không được có bất động sản quá gần các trường học công cộng vì như vậy sẽ không công bằng cho các tôn giáo khác, nhưng Chính phủ sẽ không thể rút bỏ bất cứ Quyền nào như vậy, ví dụ như không thể rút bỏ Quyền sở hữu bất động sản của bất cứ tôn giáo nào nếu họ tuân theo các luật cho mọi tôn giáo, như có bất động sản cách xa trường công cộng ít nhất 1 km.

Tài sản và bất động sản là các cộng sự vật quan trọng cho đời sống và giá trị công dân. Tôn trọng tài sản và bất động sản công dân và hội đoàn là tôn trọng đời sống và giá trị các công dân và hội đoàn trong một quốc gia. Do đó các công dân và hội đoàn tại Việt Nam Dân Quốc sẽ có quyền Hiến định rằng tài sản và bất động sản của họ sẽ được bất khả xâm phạm bởi bất cứ cá nhân và Chính phủ nào được bầu lên dưới Hiến pháp 7.

Luật pháp tại Việt Nam Dân Quốc là nhằm để bảo vệ trật tự, hòa bình, và tiến bộ. Cộng thêm Quyền Bình đẳng dưới Pháp luật (xin xem Thư Quốc gia số 52), Luật pháp tại Việt Nam Dân Quốc sẽ cung cấp cho Chính phủ nhiều quyền hành để đem lại công bằng, bình đẳng cho mọi người, trong khi ngăn cản một cách hữu hiệu các con đường mòn xưa cũ từng dẫn đến độc quyền, tha hóa, và bạo lực.

- Nhân dân Việt Nam -

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét